Cơ hội cho Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức để tham gia ngày càng sâu, rộng và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về phạm trù này, song về cơ bản chuỗi giá trị toàn cầu là toàn bộ quá trình sản xuất hàng hóa, từ nguyên liệu thô cho tới thành phẩm, được thực hiện ở bất cứ nơi nào mà kỹ năng và nguyên liệu cần thiết để sản xuất đều có sẵn, với mức giá cả cạnh tranh và có thể đảm bảo chất lượng thành phẩm.
Với lợi thế nổi bật của nước đang phát triển, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào lại “giá rẻ” nên nhiều khả năng tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất quốc tế với những sản phẩm có hàm lượng lao động lớn như: dệt may, chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ và sản xuất linh kiện máy móc…
Tuy nhiên, do chưa có nhiều thực tiễn “cọ xát” nên các doanh nghiệp trong nước, nhất là các công ty địa phương đang gặp không ít vướng mắc trong mối tương tác với các công ty đa quốc gia.
Bên cạnh đó, những thách thức về việc chuyển giao và tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý, cách thức tiếp cận thị trường và đầu tư cho nghiên cứu, phát triển.... Chưa kể, các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước đối tác cũng đang là những áp lực lớn với nhiều doanh nghiệp trong việc thực thi các cam kết đã ký như vấn đề bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, bảo hộ thương mại, sở hữu trí tuệ….
Vì lẽ đó, theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cùng các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nên nghiên cứu, xây dựng một chiến lược tổng thể để thực hiện các mục tiêu đề ra khi gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phải ghi nhận những bước tiến nhảy vọt của Việt Nam với những kết quả tích cực của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực điện thoại, máy tính, đồ điện tử... như Samsung Electronics, LG Electronics, IBM và Intel...
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các tập đoàn đa quốc gia chủ yếu nhập sản phẩm trung gian từ các chi nhánh nước ngoài nên sự tham gia của Việt Nam thường nằm ở vị trí phía sau của liên kết trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để có thể gia tăng hiệu quả kinh tế khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, theo ông Nguyễn Đức Thành, cần một chiến lược tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nâng cấp sản phẩm, quy trình, nâng cấp công nghệ… để chuyển từ vị trí trung gian lắp ráp trở thành nhà sản xuất địa phương.
Bàn về những thách thức của từng ngành, lĩnh vực, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần các doanh nghiệp Việt chưa chuẩn bị đầy đủ các kiến thức và kinh nghiệm cần thiết. Trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi nhiều Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước đối tác được ký kết đã đem lại nhiều cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt có bước chuyển mình và thử sức trong môi trường mới, trong vòng liên kết của chuỗi giá trị toàn cầu.
Mới đây, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được thông qua, kỳ vọng sẽ giúp đưa kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường tăng trưởng cao trong nay mai.
Tuy nhiên, với EVFTA và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, vấn đề gian lận thương mại đang là thách thức lớn với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bà Xuân cho biết. Vì lý do khi được hưởng những lợi ích hấp dẫn từ các hiệp định thương mại tự do, khả năng gian lận thương mại và làm giả quy tắc xuất xứ hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này không chỉ gây tổn hại đến một doanh nghiệp làm sai mà tổn hại đến cả cộng đồng doanh nghiệp trong ngành. Nếu một doanh nghiệp làm giả quy tắc xuất xứ và bị phát hiện, đồng nghĩa với việc, Liên minh châu Âu có thể áp đặt các quy chế “xử phạt” gian lận thương mại cho cả ngành công nghiệp.
Trước vấn đề này, các cấp, ngành và doanh nghiệp cần chủ động giải pháp ứng phó, xây dựng hành lang pháp lý cần thiết và khung chế tài xử lý vi phạm, đi đôi với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đúng đắn của các doanh nghiệp, bà Xuân nhấn mạnh.
Tương tự ở ngành dệt may, ý thức việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới và cải cách với các doanh nghiệp trong nước. Nếu trước đây chỉ cần lợi thế về chi phí lao động giá rẻ cũng đã giúp cho ngành này phát triển rất nhanh, rất mạnh thì nay đòi hỏi thêm nhiều yếu tố khác như trình độ, tay nghề lao động, công nghệ sản xuất…
Bởi với tính cạnh tranh cao trong ngành dệt may, có thể khiến các nhà đầu tư thay đổi kế hoạch, chiến lược kinh doanh và chuyển hướng tìm địa bàn khác thay thế trên phạm vi toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhất là khi ngành dệt may trong nước đang tồn tại yếu điểm về dệt và nhuộm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mà cụ thể là trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do là điều được ngành dệt may Việt Nam trông chờ từ rất lâu. Đây là những cơ hội rất tốt để ngành dệt may Việt Nam có những bước phát triển “nhảy vọt”.
Để đạt được mục tiêu, lợi ích khi hội nhập kinh tế quốc tế, theo ông Giang, các bộ, ngành, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực; đặc biệt là cần sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung, khắc phục các yếu điểm của từng ngành trước khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đơn cử như với các điều khoản của Hiệp định EVFTA, ngành dệt may Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải. Liên minh châu Âu là thị trường mang tính chiến lược, trọng điểm lâu dài với các dòng hàng luôn mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với một số nước khác. Do đó, đây là vấn đề cần được lưu tâm bên cạnh việc đảm bảo giá thành sản phẩm ở mức hợp lý, ông Giang cho biết.
Dệt may Việt Nam đang đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng cũng có không ít quốc gia xuất khẩu khác đang bám đuổi sát phía sau. Nếu Việt Nam không đặt ra một chiến lược tốt thì sẽ khó tiếp cận được thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Xuất khẩu dệt may vào các nước thuộc Liên minh châu Âu hiện chiếm khoảng 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, những quan ngại về sự thiếu hụt nguồn cung, nhất là các nguyên phụ liệu đang là vấn đề trọng yếu, có thể gây ảnh hưởng tới phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới, ông Giang cảnh báo.
Để đứng vững và duy trì mắt xích đã có trong dây chuyền sản xuất toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn và rút ra không ít bài học kinh nghiệm và đó cũng chính là quy luật của sự phát triển.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận