An toàn trong chuyển đổi số quốc gia
Hệ thống thông tin của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Ðảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Ðể tiến tới một Việt Nam số trong thời gian tới, việc bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm cần làm ngay.
- An toàn thông tin: Phòng "bệnh" hơn chưa "bệnh"
- An toàn thông tin trong chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ điện tử
- 90% camera an ninh ở Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc là con số đáng báo động về an toàn thông tin?
Hệ thống mạng 5G do các kỹ sư công nghệ thông tin tại Việt Nam nghiên cứu và phát triển. Ảnh: ÐĂNG ANH
Tăng tiện ích, tăng nguy cơ mất an toàn
Ngành thông tin và truyền thông (TT và TT) đang có nhiều thay đổi, với những cách làm sáng tạo để đạt mục tiêu số hóa hoàn toàn mạng lưới, phát triển nhiều dịch vụ mới, mở rộng phạm vi phục vụ… Ðặc biệt, bước đầu hình thành những doanh nghiệp (DN) mạnh, có khả năng vươn tầm khu vực, quốc tế.
Các DN đã thử nghiệm thành công mạng 5G, sản xuất thiết bị 5G thúc đẩy phát triển hạ tầng số; nhất là lĩnh vực viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, hệ thống bưu chính chuyển phát, báo chí, xuất bản phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và kỹ thuật nghiệp vụ.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xếp Việt Nam là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất ở lĩnh vực này. Số lượng DN ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ngày càng nhiều và nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng về công nghệ thông tin tiếp tục tăng lên.
Ðiều đó cho thấy, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ kỹ thuật số là quan trọng, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, tăng sản lượng, năng suất lao động, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu… Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
Góp phần thành công trong cuộc chiến với dịch COVID-19 vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của công nghệ số khi các thông tin, khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế được chuyển tải đến người dân rất nhanh chóng và kịp thời.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, Bộ TT và TT, Bộ Y tế cùng các chuyên gia về CNTT đã xây dựng thành công nhiều phần mềm trong phòng, chống dịch. Tiêu biểu hai ứng dụng (app): NCOVI (dành cho người dân Việt Nam) và Vietnam health declaration (dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam).
Dựa trên các dữ liệu ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh và hiệu quả nhất. Ðể ứng phó dịch, hàng loạt cơ quan, DN đã chủ động ứng dụng CNTT để chuyển đổi hình thức làm việc trực tiếp tại công ty sang làm việc online; DN ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế việc check-in vân tay bằng nhận dạng khuôn mặt. Các giao dịch trực tiếp đều bị hạn chế và thay vào đó là thư điện tử, họp trực tuyến.
Việc mở rộng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cũng đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là vấn đề an toàn trên không gian mạng. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hàng nghìn vụ tấn công mạng dẫn đến sự cố vào các hệ thống thông tin dưới nhiều hình thức.
Những cuộc tấn công này không chỉ nhằm đánh cắp thông tin mà còn có thể chiếm quyền điều hành, làm tê liệt hệ thống. Mức độ nghiêm trọng của sự cố tại các hệ thống thông tin đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải có sự đầu tư, chuẩn bị tốt để bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ TT và TT), trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận 1.495 vụ tấn công vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố, trong đó có hơn 700 cuộc tấn công lừa đảo, gần 500 cuộc tấn công thay đổi giao diện và gần 300 cuộc tấn công cài mã độc…
Ðánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc, Tập đoàn công nghệ BKAV Vũ Ngọc Sơn cho rằng, việc gia tăng các máy tính bị nhiễm mã độc mã hóa dữ liệu và mã độc tấn công có chủ đích là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều thiệt hại đối với người dùng Việt Nam, ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Năm 2019, tổng số lượt máy tính bị nhiễm mã độc được ghi nhận lên tới 85,2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2018. Thực tế cho thấy thời gian qua, nguy cơ tấn công mạng diễn ra hằng ngày, hằng giờ với số lượng, quy mô lớn và có xu hướng tăng lên là do người sử dụng khi tải những phần mềm không rõ nguồn gốc, các thiết bị sao chép ngoài (usb, ổ cứng) trước khi cắm vào máy tính không được quét vi-rút.
Không dừng lại ở đó, bất kỳ người dùng internet nào cũng có thể trở thành nạn nhân của các vụ tống tiền trên mạng. Qua khảo sát cho thấy, vẫn còn 76% số DN ở Việt Nam chưa bắt đầu chuyển đổi số bởi không biết bắt đầu từ đâu và chưa tìm được mô hình phù hợp. Ngoài ra, nhiều lãnh đạo DN nhỏ và vừa cho biết gặp nhiều khó khăn khi làm việc với các nhà cung ứng giải pháp công nghệ vì chưa tìm được tiếng nói chung...
Cần đặt an toàn thông tin là nhiệm vụ trọng yếu
Ðể bảo đảm an toàn thông tin góp phần phát triển công nghệ thông tin, theo các chuyên gia, tới đây, cần phải triển khai quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh thông tin, đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Ðảng, toàn dân.
Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức của cán bộ và người dân; chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho học sinh, sinh viên về các nguy cơ, yếu tố đe dọa gây mất an ninh thông tin.
Từ đó, nâng cao ý thức sử dụng các dịch vụ thông tin, nhất là từ nước ngoài cung cấp; nâng cao khả năng nhận biết, tiếp nhận thông tin, khả năng tự vệ, “miễn dịch” trước những thông tin giả, thông tin xấu, độc hại. Ðồng thời, tăng cường đầu tư hạ tầng hiện đại, băng thông đủ rộng để vượt qua các cuộc tấn công gây nghẽn mạng, có hệ thống máy lưu trữ dự phòng.
Thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục “lỗ hổng” bảo mật trên toàn hệ thống, bổ sung thiết bị, phần mềm chuyên dụng có khả năng kiểm tra, kiểm soát an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện… Triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật chuyên biệt nhằm kiểm tra, phát hiện các nguy cơ gây mất an ninh thông tin.
Hằng năm tổ chức diễn tập về phòng, chống tấn công mạng cấp quốc gia với sự tham gia của cơ quan chính phủ, các tập đoàn kinh tế trọng yếu, những DN cung cấp dịch vụ viễn thông và các cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm xử lý kịp thời các nguy cơ đe dọa gây mất an ninh thông tin ở Việt Nam.
Theo Quyền Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Trần Quang Hưng, việc thành lập trung tâm giám sát an toàn không gian mạng sẽ là bước đệm vững chắc để Việt Nam có thể làm chủ các thiết bị về an toàn mạng, hướng đến bảo đảm một không gian mạng an toàn.
Ðồng thời ứng phó hữu hiệu các loại hình tấn công mạng, tránh lộ, lọt thông tin của người sử dụng, các tổ chức tài chính - ngân hàng, DN... Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Bích Lan, Ðiều phối chương trình Vietnam SMEs Go Digital cho biết: Ðể hỗ trợ DN chuyển đổi số, Vietnam SMEs Go Digital đã đưa ra các biện pháp, vấn đề cốt lõi, dịch vụ then chốt phù hợp nhằm giúp DN tiết kiệm chi phí, tối ưu hiệu quả. Cộng đồng DN có quyền lựa chọn các nhà cung cấp công nghệ phù hợp đặc thù kinh doanh của đơn vị mình...
Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể thấy an ninh thông tin ngày càng là thành tố quan trọng đối với nước nhà. Trong đó, bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay, đòi hỏi các bộ, ngành liên quan, DN và người dân chung tay góp sức nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng trong thế kỷ 21.
Theo Nhân Dân
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận