Hà Nội: Thành quả to lớn mà dự án chuỗi chăn nuôi mang lại
Dự án chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 giúp cho các đơn vị tham gia chuỗi liên kết giữa các khâu chăn nuôi gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, tạo ra hiệu quả kinh tế thiết thực.
- Quảng Ninh: Hiện có 240 trang trại chăn nuôi
- Trang trại nuôi lợn cao 9 tầng ở Trung Quốc
- Lo ngại thiếu lương thực do Covid - 19, Indonesia xây trang trại lớn gấp 10 lần diện tích Singapore
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết Dự án chuỗi giai đoạn 2016- 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019-2020 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hôm 29/12/2020.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch Tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 5818 ngày 30/10/2015 về việc “Xây dựng dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020). Trung tâm phát triển Nông nghiệp Hà Nội là đơn vị thực hiện dự án này.
Hiệu quả thiết thực
Theo đánh giá chung của Sở NN&PTNT Hà Nội, dự án đã giúp cho các đơn vị tham gia chuỗi thực hiện tốt việc liên kết, đồng bộ giữa các khâu từ cơ sở sản xuất chăn nuôi gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời đã tạo ra hiệu quả kinh tế như giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, ổn định giá bán ra trên thị trường… Việc tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi.
Từ đó người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm giúp ra tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các phân phối, cửa hàng tiện tích, bếp ăn tập thể, sản lượng tại các chuỗi đã tăng trên 10% so với trước khi tham gia dự án.
Dự án đã tập trung và phát triển mô hình chuỗi theo 3 hình thức:
Mô hình chuỗi khép kín: Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, chuỗi khép kín do doanh nghiệp làm chủ đầu mối các khâu từ sản xuất giổng, thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm.
Tại các chuỗi này, trên cơ sở khả năng sẵn có và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, Trung tâm phát triển nông nghiệp tập trung tư vấn cho doanh nghiệp: chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, sơ chế, giết mổ, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu.
Các mô hình được xây dựng theo phương thức này bao gồm: Chuỗi thực phẩm AZ (HTX Hoàng Long), chuỗi thực phẩm Tiên Viên (Công ty cổ phần Tiên Viên), chuỗi thịt bò Hà Nội (Công ty TNHH Phát triển thương mại Tiên Viên), chuỗi bò thịt Hà Nội (Công ty TNHH Phát triển thương mại Thắng Lợi).
Mô hình chuỗi liên kết lấy tổ chức nông dân làm đầu mối (đơn vị quản lý chuỗi): Lựa chọn các tổ chức nông dân (HTX/Hội) tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của TP Hà Nội làm trọng tâm, từ đó gắn kết các tổ chức này với các tác nhân cung cấp dịch vụ đầu vào, tác nhân giết mổ, chế biến, tiêu thụ để tạo thành chuỗi từ đầu tới cuối.
Các mô hình chuỗi được xây dựng theo phương thức này gồm có: chuỗi gà đồi Ba Vì, chuỗi gà Mía Sơn Tây, chuỗi gà đồi Sóc Sơn, chuỗi gà đồi Đông Yên, chuỗi vịt Vân Đình, chuỗi lợn sinh hoc Quốc Oai, chuỗi thịt lợn sinh học liên kết Liên Việt.
Mô hình chuỗi liên kết lấy doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm làm đầu mối (đơn vị quản lý chuỗi): Tư vấn cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sau đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp này kết nối tiêu thụ với các hộ chăn nuôi trên cơ sở Hợp đồng kinh tế, để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình xây dựng theo chuỗi này đó là chuỗi thực phẩm Nam Hà Nội, chuỗi thực phẩm Organic Green, chuỗi thực phẩm An Việt, chuỗi sữa Ba Vì.
Trong dự án, công tác điều tra, khảo sát đã đánh giá được tổng quan về phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội; chỉ ra được vấn đề hạn chế cần tác động nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ở Hà Nội; lựa chọn được các tác nhân tiềm năng để kết nối với các mô hình chuỗi đang triển khai trong khuôn khổ dự án; bổ sung thêm cơ sở đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi trong thời gian tiếp theo.
Trong thời gian thực hiện, dự án đã tổ chức được 10 lớp tập huấn cho 300 lượt người là các tác nhân trực tiếp tham gia mô hình chuỗi về an toàn thực phẩm và sản xuất theo chuỗi; 4 lớp tập huấn về xây dựng, quản lý chuỗi; 93 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi.
Dự án cũng tổ chức 05 đoàn công tác tham quan, trao đổi kinh nghiệm xây dựng giá trị chuỗi tại các tỉnh. Cùng với đó, Dự án tổ chức được trên 30 đoàn tham quan cho khoảng 1.000 lượt người tiêu dùng đi thăm thực tế sản xuất tại các chuỗi giúp người tiêu dùng tìm hiểu về quy trình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi an toàn, từ đó tạo lòng tin nhất định với các sản phẩm sản xuất theo chuỗi.
Cũng trong Hội nghị, Ban tổ chức cũng bố trí các gian hàng, giới thiệu các trong các dự án chuỗi. Trong ảnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thăm gian hàng của Công ty sản xuất các sản phẩm từ sữa.
Một kết quả quan trọng nhất của Dự án đó là hoàn chỉnh các chuỗi.
Cụ thể, Dự án đã thuê các chuyên gia Chăn nuôi tại Viện Chăn nuội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuẩn hóa 11 quy trình chăn nuôi cho 11 chuỗi dựa trên việc tổng hợp kinh nghiệm chăn nuôi thực tế và các nghiên cứu khoa học để tối ưu hóa sản phẩm.
11/11 chuỗi đã hoàn thiện bộ diện diện thương hiệu, 09 chuỗi có hồ sơ đăng ký bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cấp bằng bảo hộ, trong đó có 4 nhãn hiệu được cáp bằng bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể” (Gà đồi Ba Vì, Gà Mía Sơn Tây, Gà đồi Sóc Sơn và Vịt Vân Đình).
Dự án cũng hướng dẫn điều kiện và trình tự xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi tại chuỗi; đánh giá điều kiện đáp ứng an toàn thực phẩm tại chuỗi; hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi cho 20 hộ chăn nuôi bò sữa; xây dựng được 100 cửa hàng, điểm bán sản phẩm của các mô hình chuỗi trên địa bàn Hà Nội.
Ngoài ra, 11/ 11 đơn vị quản lý chuỗi đều được hỗ trợ ứng dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng mã QR CODE; thực hiện mỗi năm 20 chuyên đề, bản tin tuyên truyền trên các cơ quan báo chí…
Một số mô hình chuỗi tiêu biểu đó là: Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà đồi Sóc Sơn; chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà đồi Ba Vì; Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà Mía Sơn Tây; chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn sinh học Quốc Oai; chuỗi sản xuất và cung cấp trứng gà Tiên Viên; chuỗi thịt lợn A-Z; chuỗi thịt lợn Organic Green; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thịt bò Hà Nội; mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sữa Ba Vì; chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà đồi Đông Yên.
Bài học kinh nghiệm khi xây dựng chuỗi đó là xác định được sản phẩm nông nghiệp chủ lực; lựa chọn được doanh nghiệp làm đầu tàu cho các chuỗi; phải có cơ quan nhà nước làm trung gian xây dựng chuỗi; có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng phát triển; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá; đẩy mạnh liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng, nhà phân phối); thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra.
Tiếp tục lan tỏa và nhân rộng
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong giai đoạn 2016- 2020, thành phố Hà Nội đã làm rất tốt về việc xây dựng và phát triển dự án chuỗi, là điểm sáng và xứng đáng là đầu tàu của cả nước. Với những kết quả đó, Hà Nội cần nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng, tạo niềm tin, sức lan tỏa hơn nữa để nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn Thành phố. Đây là vai trò quan trọng để hoàn thành thắng lợi mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, trên cơ sở các kế hoạch, dự án đã có, Hà Nội cần phát triển thành nhiều chuỗi, đẩy mạnh kiểm soát và mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hơn nữa. Song song đẩy mạnh chế biến bảo quản, tạo môi trường tiêu thụ thuận lợi. Ngoài 21 tỉnh, thành đã liên kết cần tăng cường mở rộng kết nối với các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đồng thời trên những kết quả đã đạt được; đề nghị Sở NN&PTNT cũng như các ban, ngành liên quan trong thời gian tới cần tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm; chế biến, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợ với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Rà soát các vùng, xã để phát triển sản xuất, phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển con giống chất lượng cao, phát huy lợi thế của từng vùng và địa phương.
Đề xuất điều chỉnh bổ sung, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành, tiếp tục tăng cường tuyên truyền quảng bá xúc tiến thương mại. Các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp cần khuyến khích phát triển nông nghiệp phù hợp với các điều kiện trên địa bàn, định hướng phát triển theo chuỗi liên kết theo hướng bền vững,an toàn.
Nhân dịp này Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, UBND TP, Sở NN&PTNT đã tặng Bằng khen, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển dự án chuỗi giai đoạn 2016- 2020.
Các cá nhân, tập thể nhận bằng khen của Bộ NN&PTNT.
Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển dự án chuỗi giai đoạn 2016- 2020 nhận bằng khen của UBND TP Hà Nội.
Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển dự án chuỗi giai đoạn 2016- 2020 nhận bằng khen của Sở NN&PTNT Hà Nội.
Theo: nhachannuoi.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận