Ngành thịt Việt Nam: “Cuộc đua” thương hiệu
Thị trường thịt (gia súc, gia cầm) ở Việt Nam được đánh giá là có trị giá hàng chục tỷ USD và đang chứng kiến cuộc đua xây dựng thương hiệu, tiếp thị và bán lẻ gay cấn chưa từng có.
Người dân mua thịt heo tại một quầy bán lẻ (ảnh: Nguyên Vỹ)
Tiềm năng tiêu thụ thịt của người Việt
Nhìn lại năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi của Việt Nam đạt khoảng 3,46 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2019. Sản lượng thịt gia cầm hơi các loại đạt trên 1,42 triệu tấn, tăng khoảng 9,2%. Sản lượng thịt bò hơi đạt khoảng 372,5 ngàn tấn, tăng khoảng 4,8%, so với năm 2019. Cùng với đó, 11 tháng đầu năm 2020, cả nước nhập 301,1 ngàn con lợn thịt; lượng trâu bò sống giết thịt là 517,9 ngàn con. Tổng lượng thịt nhập khẩu các loại (thịt lợn, gà, gia súc, dê, cừu) là trên 321 ngàn tấn (bằng 6% so với tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong nước).
Cùng với tăng thu nhập, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung, tiêu dùng thịt của người Việt những năm gần đây liên tục tăng cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức tiêu thụ bình quân đầu người của các sản phẩm chăn nuôi giai đoạn 2010- 2018 tăng 5,1%/năm, thịt gia súc, gia cầm tăng 1,6-5,3%. Đến nay bình quân sản phẩm chăn nuôi/người của Việt Nam đạt khoảng 55-57 kg thịt hơi các loại.
Với quy mô dân số năm 2019 là 96,2 triệu người (Tổng điều tra dân số, 2019), với mức tiêu thụ thịt, trứng và sữa hiện nay của người dân Việt Nam còn thấp so với khu vực (tiêu thụ thịt bằng 84% Hàn Quốc) thì thị trường tiêu thụ nội địa vẫn là thị trường chủ yếu của các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm thịt trong thời gian tới.
Theo Cục Chăn nuôi, tập quán người Việt Nam chủ yếu tiêu thụ thịt nóng (chiếm 90% lượng tiêu thụt thịt); kênh phân phối các sản phẩm trong nước chủ yếu thông qua kênh bán hàng truyền thống (chợ), chiếm khoảng 80%. Trong khi đó, kênh bán hàng hiện đại qua siêu thị, cửa hàng chiếm chưa tới 20%.
Tuy nhiên từ cuối năm 2019, do ảnh hưởng của ASF, nhóm hàng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhiều (chủ yếu phục vụ chế biến, nhưng đang có xu hướng dịch chuyển sang tiêu dùng trực tiếp); cơ cấu thịt lợn, thịtgia cầm, thịt gia súc ăn cỏ đang có xu hướng thay đổi trong giỏ thực phẩm của người dân.
“Cuộc đua” 3F ngày càng gay cấn
Công nhân chế biến thịt tại Nhà máy chế biến thịt của Masan Hà Nam (ảnh: Chu Khôi)
Nhận thấy ngành thịt đầy tiềm năng với trị giá khoảng 18 tỷ USD, là 1 công ty thành viên của Tập đoàn Masan, Masan MEATLife (MML) là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam áp dụng nền tảng 3F “từ trang trại đến bàn ăn” với chuỗi giá trị tích hợp, nhằm cung cấpcác sản phẩm thịt có thương hiệu, đảm bảovệ sinh, truy xuất được nguồn gốc và giá cả hợp lý. MML đã mở rộng sang ngành kinh doanh thịt có thương hiệu theo mô hình hàng tiêu dùng. MML là công ty đầu tiên tại Việt Nam ra mắt thành công thương hiệu thịt mát “MEATDeli” theo công nghệ chế biến đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu. Hai nhà máy chế biến thịt của Masan được đầu tư hàng trăm tỷ tại Hà Nam và Sài Gòn cũng đã được khánh thành và đi vào hoạt động.
Công ty Cổ phần GREENFEED Việt Nam, thành lập năm 2003 với tầm nhìn đưa “GREENFEED trở thành thương hiệu hàng đầu, hiệu quả, đáng tin cậy trên toàn chuỗi thực phẩm trong và ngoài nước cùng cácứng dụng công nghệ vượt trội”. Tính đến nay, GREENFEED có hệ thống 9 nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar; phân phối ở 3.000 đại lý và các trang trại mua trực tiếp.
Trang trại heo giống hiện đại của GREENFEED, cùng với hệ thống trại chăn nuôi heo thương phẩm chuyên biệt trên 30 triệu USD, có khả năng cung cấp cho thị trường trên 50.000 heo nái bố mẹ GF24 và khoảng 350.000 heo thịt xuất chuồng sạch. Từ năm 2018, GREENFEED chính thức vận hành nhà máy giết mổ, chế biến DNF hiện đại với công nghệ Đức, Đan Mạch.
Với Tập đoàn Mavin được thành lậpvào năm 2004, đến nay Mavin đã phát triển thành công chuỗi giá trị “Từ Nông trại tới Bàn ăn”, cung ứng thức ăn chăn nuôi, cung cấp heo giống, thiết bị thuốc thú y cũng như bao tiêu các sản phẩm của người chăn nuôi để sử dụng cho nhà máy sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn Châu Âu. Tập đoàn Mavin cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam áp dụng tự động hóa cao trong tất cả các công đoạn sản xuất và chăn nuôi để tăng năng suất, giảm thiểu các tác động môi trường và sức khỏe con người.
Sau 5 năm đầu tư, Công ty CP Phát triển nông nghiệp Hòa Phát đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Bò Úc của Hòa Phát đang chiếm thị phần số 1 với hơn 50%, trứng gà sạch dẫn đầu về sản lượng ở khu vực phía Bắc với 550.000 quả/ngày. Mục tiêu của Công ty đến năm 2022 sẽ đạt sản lượng tối đa công suất thiết kế 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm; 500.000 đầu heo thương phẩm/năm; 250.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm. Đồng thời, Hòa Phát hướng tới phát triển theo chuỗi 3F (Feed – Farm – Food), nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất.
Còn đối với Japfa, với hệ thống 6 nhà máy thức ăn chăn nuôi cùng hệ thống 300 trang trại chăn nuôi của mình, Japfa cũng chuẩn bị đầu tư tổ hợp chăn nuôi khép kín từ giống, TACN, trang trại, giết mổ đến chế biến thực phẩm trị giá 230 triệu USD tại Bình Phước.
Với Dabaco Việt Nam, thừa hưởng hệ thống các công ty thành viên khép kín theo mô hình 3F của Tập đoàn gồm: Các côngty giống gia súc, gia cầm; các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; Hệ thống chăn nuôi gia công và cuối cùng là giết mổ chế biến thực phẩm, Cty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc khép kín quy trình chăn nuôi.
Cuối năm 2020, CJ Vina Agri tuyên bố đã hoàn thành chuỗi 3F của mình. Cụ thể, vào năm 2001, CJ Vina Agri mở rộng sang mảng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và đã đạt được những chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như HACCP, Global Gap, ISO. Hơn 600 trang trại khắp cả nước của CJ Vina với các trang thiết bị hiện đại và môi trường chăn nuôi an toàn vệ sinh của CJ . CJ Vina cũng đã tham gia vào giết mổ thịt heo.
Tăng cường xây dựng thương hiệu, tiếp thị và bán lẻ
Theo Cục Chăn nuôi, sản phẩm của ngành chăn nuôi, trong đó có thịt liên kết chuỗi thiếu đồng bộ; các sản phẩm chủ yếu qua khâu trung gian làm giá bị đẩy lên cao tới người tiêu dùng nhưng người chăn nuôi cũng không được hưởng lợi nhuận tương ứng.
Nhìn ra được điều đó, công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam vốn đã rất thành công với mô hình 3F đã đầu tư cho hệ thống bán lẻ để phân phối thịt và các sản phẩm chế biến của mình qua các kênh như C.P Shop, Fresh Mart, C.P Pork Shop…
Đáng chú ý, theo hình thức bắt tay với các hộ kinh doanh, hàng trăm cửa hàng của C.P đã xuất hiện trên cả nước theo kiểu “nhà bạn ở đâu, Pork Shop ở đó”. Trong khi đó, Porkshop. vn là trang thương mại điện tử chuyên phân phối thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn quốc tế 3F từ chăn nuôi mang thương hiệu C.P. Porkshop. vn phát triển đa dạng từ hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ, website bán hàng online, được phát triển bởi Công ty DSF Việt Nam, dựa trên các thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
Mô hình cửa hàng Pork Shop tại Hải Dương của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thu hút khá đông người dân đến tham quan và mua sắm thịt heo sạch (Ảnh: http://porkshop.vn/)
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Tổng giám đốc Công ty DSF Việt Nam cho hay, Porkshop.vn ra đời với mong muốn cung cấp một cách nhanh chóng nhất nguồn thịt lợn tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối đến những bữa ăn ngon cho mọi gia đình Việt.
Còn với Masan, vốn đã nổi tiếng là không tiếc tiền cho các chiến dịch truyền thông rầm rộ cho các nhãn hàng mới, thì với sản phẩm thịt mát thương hiệu MEATDeli cũng không là ngoại lệ. Người ta có thể thấy MEATDeli được tiếp thị trên các phương tiện truyền thông cả truyền thống lẫn hiện đại. Điều này đã có những tác động tích cực đến với nhận thức và thị hiếu tiêu dùng của người Việt, đặc biệt là những người sống ở đô thị có mức thu nhập tốt và trình độ…
Cùng với đó, khi Tập đoàn Masan sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam với hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+, Masan MEATLife như “hổ mọc thêm cánh” khi có cơ hội mở rộng thị phần nhanh chóng chưa từng có. Cũng nhờ vậy mà mảng kinh doanh thịt của Masan cũng có một năm làm ăn khấm khá với doanh thu 4.707 tỷ đồng trong Quý 4/2020, nâng tổng doanh thu năm 2020 lên 16.119 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019.
Mảng thịt tích hợp đóng góp khoảng 100 triệu USD (2.378 tỷ đồng) giúp mảng kinh doanh này từ chỗ đóng góp 3% trong năm 2019 tăng lên 15% trong năm nay. Trong quý 4 vừa qua, MML cũng quyết định đầu tư vốn góp 51% và tích hợp thành công 3F VIET để mở rộng mảng kinh doanh thịt. GREENFEED đã cho ra mắt thương hiệu Thịt thật thà và chuỗi cửa hàng phân phối thực phẩm sạch và an toàn G-Kitchen và tăng cường làm truyền thông để nâng cao nhận thức về khái niệm thịt sạch trong mỗi người tiêu dùng và cộng đồng.
GREENFEED kỳ vọng sẽ hình thành thói quen sử dụng thịt mát như đã diễn ra ở các quốc gia tân tiến. Đến nay, G-Kitchen đã có 72 sản phẩm đưa tới tay người tiêu dùng; lên kệ tại hơn 30.000 điểm bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc; ra mắt 30 cửa hàng Thịt Sạch G Kitchen tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh; cung cấp nguồn nguyên liệu uy tín cho nhà hàng, trường học, hãng hàng không, chuỗi café. G-Kitchen cũng có phương thức mua hàng đa dạng từ cửa hàng thực phẩm, website, điện thoại đặt hàng hoặc thông qua các ứng dụng mua hàng trên điện thoại, thậm chí còn chuyển đến tận nhà.
Tháng 10/2020 vừa qua, CJ Vina Agri cũng chính thức ra mắt cửa hàng bán lẻ thịt sạch Meat Master. Sáng tháng 01/2021, doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối trên toàn quốc với chuỗi cửa hàng thịt tươi Porkshop và mục tiêu mở 50 cửa hàng trong năm nay.
Còn đối với Japfa, hoạt động kinh doanh thực phẩm của công ty mới đi vào hoạt động với hệ thống gần 20 cửa hàng mang thương hiệu Japfa Best bán các sản phẩm thịt sạch và các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn đang nhận được phản hồi tích cực của thị trường.
Theo nhachannuoi.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận