Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thái Lan có thể sẽ tiếp tục duy trì giãn cách xã hội
Cập nhật tình hình dịch COVID0-19, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang ngày càng gia tăng khiến cho giới chức Thái Lan dự kiến sẽ kéo dài thời hạn cách ly xã hội đến tháng 10 để đảm bảo an toàn cho công dân trước tình hình dịch bệnh.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Đức dự kiến gia hạn thời gian cách ly xã hội
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: EU đảm bảo đủ Remdesivir trong điều trị tại lục địa già
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, một ủy ban của Trung tâm Xử lý tình hình dịch bệnh (CCSA) của Chính phủ Thái Lan ngày 24/9 đã đề nghị Chính phủ gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm một tháng cho tới hết tháng 10.
Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp được Chính phủ Thái Lan ban bố từ tháng 3 năm nay nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Sau nhiều lần gia hạn, sắc lệnh dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/9.
Trước thời hạn trên, Ủy ban của CCSA cho rằng việc tiếp tục gia hạn sắc lệnh nói trên là cần thiết nhằm đảm bảo sự hợp tác và hoạt động nhanh hơn trong việc chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19 của các cơ quan chính phủ.
CCSA lưu ý sự gia tăng của các ca lây nhiễm ở nước láng giềng Myanmar, nơi số ca mắc mới hàng ngày đã tăng mức trên 500. Dự kiến, quyết định tiếp tục gia hạn sắc lệnh này sẽ được CCSA cân nhắc vào tuần tới trước khi trình lên Nội các để thông qua.
Dịch bệnh tại Thái Lan liên tục ghi nhận những tin xấu khiến giới chức nước này cân nhắc về việc tiếp tục duy trì giãn cách hiện nay.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 24/9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 32.169.464 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 983.171 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 23.740.635 người.
Tính đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, với 7.142.426 ca nhiễm và 206.623 ca tử vong. Đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á về số ca mắc là Ấn Độ với 5.752.178 ca mắc và 91.368 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới và đứng đầu khu vực Nam Mỹ, với 4.627.780 ca mắc và 139.065 ca tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến đáng lo ngại ở 7 nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Trong báo cáo đánh giá mới nhất, ECDC cho biết 7 nước này gồm Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, CH Séc và Malta ghi nhận số ca nhập viện cũng như số ca mắc COVID-19 thể nặng gia tăng. Bên cạnh đó, tỉ lệ tử vong cao đã được ghi nhận do có nhiều bệnh nhân là người cao tuổi.
Tại Pháp, trong hơn một tuần qua số ca mắc COVID-19 liên tục ở mức 10.000 ca/ngày, buộc nhà chức trách phải siết chặt các biện pháp phòng dịch ở các khu vực báo động cao. Đến nay, Pháp có tổng cộng 481.141 ca mắc và 31.459 ca tử vong.
Tại Nga, số ca nhiễm mới tại thủ đô Moskva đã lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 6, làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới. Trong những tháng vừa qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô Moskva duy trì ở mức ổn định là 700 ca/ngày, song con số này đã bắt đầu tăng trở lại từ ngày 15/9.
Trong ngày 24/9, thủ đô Moskva ghi nhận thêm 1.050 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ ngày 23/6. Trong khi đó, toàn nước Nga ghi nhận thêm 6.595 ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ ngày 12/7. Tính đến ngày 24/9, Nga có tổng cộng 1.128.836 ca nhiễm và 19.948 ca tử vong.
Tại Myanmar, nước này đã tiến hành cách ly hàng chục nghìn người nhằm ngăn COVID-19 bùng phát tạo gánh nặng quá lớn cho hệ thống y tế còn hạn chế. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và các bác sĩ cho rằng các cơ sở cách ly đang bị quá tải do số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tăng mạnh.
Chiều 24/9, Myanmar ghi nhận thêm 535 ca mắc và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 7.827 ca và 133 ca. Ngoài ra, đã có tổng cộng 2.085 bệnh nhân phục hồi và được xuất viện.
Tại Indonesia, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với 4.634 ca, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 262.022 ca.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, với thêm 128 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca không qua khỏi đến nay đã tăng lên tới 10.105 ca.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ghi nhận 2.180 ca mắc mới và thêm 36 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại đây lên lần lượt là 296.755 ca và 5.127 ca.
Philippines hiện vẫn là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á và có tới gần một nửa số ca tử vong tại nước này được ghi nhận chỉ trong vòng 30 ngày trở lại đây.
Tại Hàn Quốc, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khi ngày 24/9 ghi nhận thêm 125 ca mắc mới, và đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức trên 100.
Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong số ca mắc mới, có 110 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 23.431 ca mắc bệnh và 393 trường hợp tử vong.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun thông báo chính phủ sẽ không cho phép tổ chức các cuộc diễu hành dưới mọi hình thức tại trung tâm thành phố Seoul nhân dịp Quốc khánh nước này (3/10).
Tại Israel, nội các nước này quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc do số ca mắc COVID-19 không ngừng tăng mỗi ngày. Lệnh phong tỏa dự kiến có hiệu lực từ ngày 25/9 và kéo dài ít nhất đến buổi tối ngày lễ Simhat Torah của người Hồi giáo, tức ngày 10/10.
Theo đó, tất cả các cơ sở kinh doanh sẽ đóng cửa, ngoại trừ các nhà máy, công xưởng và các dịch vụ được xác định là thiết yếu. Các lễ cầu nguyện và sự kiện hội họp giới hạn tối đa 20 người tham gia và ở địa điểm gần nhà.
Ngoài ra, sân bay quốc tế Ben Gurion sẽ tạm thời đóng cửa nhà ga đi. Tính đến ngày 24/9, nước này ghi nhận 206.332 ca mắc và 1.335 ca tử vong.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận