Doanh nghiệp siêu nhỏ: Sẵn sàng kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến để 'lớn nhanh'
Buổi tập huấn “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến” cho thấy, các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến.
- Giải pháp nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
- TNEX Merchant mang tiện ích đến hộ kinh doanh vừa và nhỏ
- "Chính phủ điện tử chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi an toàn phục vụ người dân và doanh nghiệp"
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua, những doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ở mọi quy mô đã liên tiếp trải qua nhiều khó khăn, thách thức do Covid-19 cũng như bất ổn chính trị tại một số nơi trên thế giới. Trong bối cảnh này, thương mại điện tử đã nổi lên như một giải pháp cứu cánh, thậm chí là duy nhất cho các doanh nghiệp muốn triển khai các hoạt động xuất khẩu.
“Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống đã chuyển sang mô hình xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới. Tăng cường chuyển đổi số, cũng như điều chỉnh mô hình, sản phẩm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh và tốc độ để theo kịp thị trường”- bà Huyền nói.
Theo bà Huyền, thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2021 đã tăng tới 25,7% so với năm 2020. Và theo số liệu của Amazon, năm 2021 đã có 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp SME Việt Nam được bán thông qua sàn thương mại điện tử này, tăng gần 35% so với năm 2020. Những con số ấn tượng này đến từ xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, kết quả này còn là thành quả đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, lợi ích từ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đáng nói, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến.
Bên cạnh những tích cực, việc chuyển đổi sang xuất khẩu trực tuyến cũng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Với khả năng tài chính và nguồn nhân lực hạn chế, các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để có thể từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả.
“Một chương trình tổng thể sẽ được khởi động trong thời gian tới nhằm hỗ trợ sâu sắc và hiệu quả hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, “Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến” có mục tiêu hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp đa lĩnh vực trong giai đoạn từ 2021 - 2025 xuất khẩu thành công thông qua môi trường trực tuyến”- bà Huyền cho hay.
Theo đó, các giải pháp, các chương trình và sự kiện chính bao gồm: Sàn thương mại điện tử ECVN (khai trương phiên bản 2 năm 2020) nơi góp mặt của hơn 3.000 gian hàng nội địa với lượng traffic đạt gần 30.000 lượt một tháng đã và đang tiếp thị hơn 12.000 sản phẩm tới thị trường quốc tế; Cổng thông tin Vietnamexport, một nền tảng cung cấp thông tin chính thống về tình hình xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế, với sự đồng hành của hơn 60 thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đảm bảo đem đến những thông tin mới nhất, những nhận định, đánh giá khách quan và sát với thực tế giúp doanh nghiệp có chiến lược phù hợp với sự biến động của thị trường; Ứng dụng “Hỏi đáp và tư vấn thông tin xuất nhập khẩu” giúp trả lời nhanh chóng những thắc mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân về những quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương quản lý thông qua hệ thống AI tiên tiến; Chuỗi các hội nghị trực tuyến kết nối trực tiếp doanh nghiệp sản xuất với nhà nhập khẩu quốc tế. Trong các hội nghị này, ban tổ chức ngoài việc kết nối còn có các chương trình hỗ trợ trước, trong và sau sự kiện. Giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nắm bắt trọn vẹn thông tin và chuyển hóa thành công những cơ hội đến trong chương trình….
Trong khuôn khổ chương trình này, doanh nghiệp có năng lực sản xuất được lựa chọn sẽ nhận tư vấn từ quá trình R&D sản phẩm dựa trên khảo sát thị trường của ban cố vấn. sau khi phát triển được sản phẩm có năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tham gia tối tiểu 3 sàn thương mại điện tử quốc tế, có nhân sự hỗ trợ chăm sóc khách hàng, marketing giúp quảng bá sản phẩm cho tới khi có đơn hàng thực tế.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận