Ký trực tuyến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) khiến Âu - Mỹ thức tỉnh?
Việc hiệp định thương mại tự do RCEP được ký kết với chủ yếu các quốc gia châu Á đã khiến Mỹ và châu Âu lo lắng về khả năng mất thị trường.
- 10 đại diện Việt Nam thi đấu an toàn thông tin với 6 nước ASEAN
- ASEAN hướng tới xây dựng tiêu chuẩn hoá thành phố thông minh khu vực
- Băng tần nào cho 5G để phát triển ASEAN kỹ thuật số
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch ASEAN 2020, và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và các nước tham dự lễ ký. Ảnh: TTXVN
"Mỹ cần thực thi nỗ lực mang tính chiến lược hướng đến tương lai để duy trì được sự hiện diện kinh tế của Mỹ trong khu vực. Nếu không chúng ta có nguy cơ bị đứng ngoài khi một trong các động cơ tăng trưởng lớn của thế giới vận hành mà không có chúng ta". Ông Myron Brilliant - phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ - đưa ra lời cảnh báo cho nước này vào ngày 16/11, theo Hãng tin Reuters.
Mỹ sợ đứng ngoài cuộc chơi
Dù vẫn nói Phòng Thương mại Mỹ không khuyến nghị Chính phủ Mỹ gia nhập RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực), đồng thời lưu ý các thỏa thuận thương mại của Mỹ gần đây đã bao gồm những quy định chặt chẽ và thiết thực hơn về các vấn đề như thương mại điện tử, các rào cản phi thuế quan và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhân tạo nhưng ông Brilliant cũng lưu ý xuất khẩu của Mỹ sang thị trường châu Á - Thái Bình Dương tăng đều trong những thập niên gần đây, song thị phần của các công ty Mỹ lại đang giảm.
Việc 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ký kết thành công RCEP, hình thành nên khối thương mại tự do lớn nhất thế giới đã khiến nhiều cường quốc kinh tế lo lắng. Quả thật, với thị trường 2,2 tỉ dân, chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 ngàn tỉ USD (tương đương 30% GDP toàn cầu) và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019), RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Thỏa thuận này cũng đánh dấu lần đầu tiên các cường quốc châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia hiệp định thương mại tự do duy nhất.
Cho nên, Phòng Thương mại Mỹ phải thừa nhận những lợi ích của RCEP đem lại, cho rằng các nhà xuất khẩu, công nhân và nông dân Mỹ cần tiếp cận sâu hơn vào thị trường châu Á.
Ông Brilliant cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thị trường châu Á - Thái Bình Dương, theo đó dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 5% vào năm 2021 và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu ở khu vực này.
Châu Âu thức tỉnh
Trong khi đó, chủ tịch Hiệp hội Ngoại thương Đức (BGA) Anton Börner nhận định với việc RCEP được ký kết, cơ hội xuất khẩu hàng hóa của các công ty Đức có thể bị giảm sút trong tương lai.
Theo ông, đây là bước thụt lùi với mục tiêu mà Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố trước đây về đa dạng hóa quan hệ thương mại khi các thỏa thuận thương mại lớn của châu Âu vẫn giậm chân tại chỗ, trong đó thỏa thuận với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) có nguy cơ đổ vỡ, trong khi Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện giữa EU với Canada (CETA) vẫn chưa được Quốc hội Đức phê chuẩn.
Tương tự, ông Jürgen Hardt - người phát ngôn chính sách đối ngoại của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội Đức - đã ra thông cáo báo chí, trong đó cảnh báo EU cần nhanh chóng thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do riêng, bởi RCEP chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với EU.
Trong thông cáo, ông Hardt nhấn mạnh việc hoàn tất RCEP ở châu Á tạo ra một trung tâm quyền lực thương mại mới mà không có sự tham gia của châu Âu và Mỹ.
Chính trị gia Đức này cho rằng việc hình thành RCEP một phần do sự rút lui của Mỹ khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), động thái được xem là một trong những quyết định sai lầm nghiêm trọng nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ông, châu Âu phải coi việc hoàn tất RCEP là hồi chuông cảnh tỉnh và EU không thể tiếp tục trì hoãn thêm các cuộc đàm phán thương mại tự do, bởi với điều đó, các nước khác có thể đặt ra những tiêu chuẩn và châu Âu sẽ tụt lại phía sau.
Ông Hardt kêu gọi châu Âu nhanh chóng thúc đẩy thỏa thuận thương mại với MERCOSUR vốn đã được đàm phán phần lớn nội dung, bởi thỏa thuận này sẽ giúp nâng cao đáng kể các tiêu chuẩn chung về môi trường và do đó đáp ứng kỳ vọng của châu Âu không chỉ về mặt thương mại.
Bên cạnh đó, ông Hardt cũng kêu gọi các nước châu Âu nhanh chóng phê chuẩn CETA mà những tác động tích cực từ việc hiệp định tạm thời có hiệu lực đã được thấy rõ.
Theo ông, CETA cần phải nhanh chóng có hiệu lực đầy đủ để châu Âu có thể chuẩn bị tốt cho các cuộc đàm phán thương mại mới với Mỹ, đồng thời nên coi đây là một trong những ưu tiên của Đức và EU đối với tân tổng thống Mỹ.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký trực tuyến sáng 15-11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. Với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN (gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan) và 5 đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, RCEP được đánh giá là FTA có quy mô lớn nhất thế giới và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên nhờ các tiêu chuẩn không quá gắt gao.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận