Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng kẹo sâm kích dục Hamer có chứa chất cấm và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này. Thế nhưng, thực tế, người tiêu dùng vẫn dễ dàng đặt mua kẹo sâm Hamer trên Shopee!
Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) thông báo về việc phát hiện các chất cấm có trong một số loại thực phẩm bán tại nước này. Cụ thể, trong danh sách sản phẩm có kẹo Hamer có chứa chất kích dục N-desmethyl Tadalafil.
Hàng loạt thực phẩm giảm cân gồm Coco Cury, Choco Fit, Nutriline Thinsline, Nutriline Cleansline, Wholly Fitz “PASSION LEMON TEA” with Guarana Powder and Hoodia Gordonii Extract, Kimiso Dark Chocolate chứa Sibutramine.
Trước thông tin này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ngay lập tức đã tiến hành rà soát nội bộ và kết quả là: Từ tháng 9/2014 đến nay, các sản phẩm trên chưa được cấp công bố tại Cục nhập khẩu vào Việt Nam. Mặc dù vậy, trên các trang web và mạng xã hội, kẹo sâm Hamer được bày bán tràn lan tại Việt Nam. Đây là sản phẩm được nhiều shop chuyên cung cấp các mặt hàng “phòng the” tiết lộ có sức mua chạy nhất trong thời gian gần đây.
Kẹo sâm Hamer được giới thiệu nhập khẩu từ Mỹ. Sản phẩm không chỉ được quảng cáo tăng cường ham muốn cho phái mạnh, ngậm một viên khỏe tới… 3 ngày mà còn có cả tá công dụng “kỳ diệu” khác như: khắc phục tình trạng yếu sinh lý, xuất tinh sớm, loại bỏ vấn đề xuất tinh sớm, tăng cường số lượng tinh trùng trong tinh dịch, nuôi dưỡng tinh trùng, giảm mệt mỏi, giảm đau khớp…
Ngày 2/11 PV Kinh doanh và Phát triển đã thực hiện đặt mua kẹo sâm Hamer trên trang Shopee – một nền tảng thương mại điện tử đang được nhiều người VN sử dụng. Rất nhanh, chỉ trong vòng 1 ngày ngày, PV đã nhận được sản phẩm.
Kẹo Hamer được đặt mua trên Shopee.
Để làm rõ sự việc, PV Kinh doanh và Phát triển đã liên hệ với Cty TNHH Shopee. Đại diện truyền thông của Shopee cho biết, với vai trò là đơn vị cung cấp không gian cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, Shopee không dung túng, không hỗ trợ, khuyến khích hay tiếp tay cho các hành vi kinh doanh sản phẩm sai phạm.
“Chúng tôi luôn có hành động cứng rắn khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin phản ánh có căn cứ xác thực, cụ thể là khóa sản phẩm vi phạm hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản vi phạm, hoặc báo cáo cơ quan chức năng về hành vi sai phạm này, tùy vào mức độ vi phạm của từng trường hợp cụ thể”, đại diện Shopee khẳng định.
Các trường hợp người bán cố tình qua mặt hệ thống kiểm duyệt của Shopee (ví dụ: Đăng tải hình ảnh sản phẩm khác với mô tả sản phẩm; đăng bán sản phẩm bằng các từ/cụm từ có cách viết/cách thể hiện gần giống các cụm từ bị khóa đều được chúng tôi xử lý ngay khi nhân sự kiểm duyệt phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực theo quy định pháp luật.
Shopee cũng liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng cường thêm nhân viên thuộc đội ngũ chuyên trách để mở rộng rà soát kiểm tra nội dung, thông tin sản phẩm.
Cuối cùng, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT nhiều tiềm năng, Shopee cam kết bảo vệ tối đa quyền lợi của người dùng và đảm bảo cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến bảo mật và an toàn trên nền tảng của mình, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng về hoạt động kinh doanh TMĐT.
3 viên kẹo sâm Hamer được đặt mua với giá 189.550 đồng (bao gồm phí giao hàng tại TP Hồ Chí Minh).
Trước sự việc người tiêu dùng dễ dàng đặt mua kẹo sâm Hamer qua Shopee, đại diện của Shopee không nói gì về trách nhiệm của công ty này mà chỉ khẳng định: “Shopee tuân thủ quy định pháp luật có liên quan về trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử theo tinh thần của Điều 4 khoản 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 về trách nhiệm của thương nhân/tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (“Thông Tư 47”): “Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này”.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã rà soát và gỡ bỏ các mặt hàng có chứa chất cấm theo Thông Báo của Cục An Toàn Thực Phẩm tại https://vfa.gov.vn/tin-tuc/ve-thong-tin-canh-bao-tu-singapore-ve-viec-ph... (“Thông Báo”). Công ty đồng thời cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tự động bằng từ khóa đối với các sản phẩm này”.
Ngoài ra, đại diện Shopee cho biết, Công ty có áp dụng hệ thống Sao Quả Tạ (tức hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng Shop). Shop càng có nhiều điểm phạt thì càng được hưởng ít hỗ trợ hơn từ Shopee. Hình phạt cao nhất của hệ thống Sao Quả Tạ là tạm khoá tài khoản bán hàng trong 28 ngày. Việc đăng bán các sản phẩm cấm, đăng bán hàng giả/nhái… sẽ bị phạt 01 điểm cho mỗi hành vi vi phạm.
Shopee là sàn giao dịch thương mại điện tử có trụ sở đặt tại Singapore, thuộc sở hữu của tập đoàn SEA Ltd (trước đây là Garena), được thành lập vào năm 2009 bởi doanh nhân trẻ Forrest Li (Li Xiaodong). Được thành lập vào năm 2009, Garena (được đổi tên thành SEA Ltd từ ngày 8/5/2017) đã sớm gặt hái thành công với sự hỗ trợ của nhà đầu tư và “người thầy” Tencent – tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Đến tháng 2/2015, công ty con Shopee Company Limited ra đời. Shopee chính thức ra mắt thị trường Việt vào ngày 8/8/2016 với mục tiêu cạnh tranh trên đấu trường thương mại điện tử Đông Nam Á như Lazada (Công ty được sở hữu bởi gã khổng lồ Alibaba). Mô hình ban đầu của Shopee Việt Nam là C2C Marketplace – trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau. Tuy nhiên, hiện nay Shopee Việt Nam đã trở thành mô hình lai khi có cả B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng).Shopee không tính phí của người bán/hoa hồng và phí đăng bán sản phẩm. Tính đến năm 2017, nền tảng này đã ghi nhận 80 triệu lượt tải ứng dụng, tại Việt Nam là hơn 5 triệu lượt.Sàn này hiện đang làm việc với hơn 4 triệu nhà cung cấp với hơn 180 triệu sản phẩm. |
Theo: Kinh Doanh & Phát Triển
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận