Robot - Lực lượng lao động đã làm thay đổi diện mạo của ngành thương mại điện tử toàn cầu giao hàng
Với động lực từ yêu cầu hạn chế tiếp xúc trong giao dịch thương mại thời kỳ COVID-19, lực lượng robot giao hàng đang góp phần làm mới lại các hoạt động thương mại điện tử với hàng nghìn những cỗ máy thay thế cho các nhân viên giao hàng truyền thống.
Theo đó, đã có hơn một nghìn người máy (robot) sẽ gia nhập hàng ngũ “nhân viên” giao hàng của những công ty thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc như Alibaba, Meituan và JD.com trong năm tới, khi đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ không tiếp xúc.
Các công ty này dự kiến sẽ vận hành hơn 2.000 người máy vào năm 2022, tăng khoảng 4 lần so với mức hiện tại. Điều này càng có cơ sở hơn khi chi phí sản xuất người máy trên thế giới đang có xu hướng giảm.
Robot được xem là sự bổ sung cần thiết cho sự thiếu hụt lao động trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hàng triệu người vận chuyển vẫn nhận giao các gói hàng với mức thù lao dưới 3 NDT (0,47 USD) ở Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp đã thử nghiệm sử dụng máy bay không người lái hoặc người máy dạng hộp đặt trên bánh xe từ đầu năm 2013, giữa bối cảnh thị trường lao động tại nước này ngày càng bị thắt chặt do đại dịch.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã yêu cầu các công ty đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho các nhân viên giao hàng, khi họ đang phải căng mình để đáp ứng nhu cầu mua hàng ngày càng tăng và thời gian vận chuyển rút ngắn.
Ông Xia Huaxia, Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại công ty giao đồ ăn Meituan cho biết, đại dịch COVID-19 là một “cú hích lớn” cho các kế hoạch triển khai người máy. Start-up giao hàng đồ ăn này đã ra mắt dịch vụ người máy của mình vào tháng 2/2020 khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến đáng quan ngại hơn ở Bắc Kinh, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu là cuối năm nay.
Trong khi đó, ông Kong Qi- Giám đốc phụ trách nghiên cứu mảng kinh doanh xe tự hành của công ty thương mại điện tử JD.com cho biết, công ty này cũng đã tung ra dịch vụ người máy giao hàng của mình.
Kế hoạch ban đầu của JD.com là ra mắt dịch vụ này vào tháng 6/2020 tại Bắc Kinh, nhưng đã buộc phải bắt đầu sử dụng dịch vụ ở Vũ Hán từ tháng 2/2020, khi đây trở tâm dịch của Trung Quốc.
Ông nói: “Mục tiêu của việc sử dụng người máy không phải là thay thế hoàn toàn con người, mà nhằm giúp giảm bớt các công việc đơn giản, để nhân viên tập trung vào phục vụ khách hàng tốt hơn”.
Tuy nhiên, hiện các người máy giao hàng vẫn còn nhiều hạn chế như không thể leo cầu thang và chỉ có thể di chuyển trên một số tuyến đường nhất định do giới hạn tốc độ và điều kiện đường sá. Do vậy, chúng thường được sử dụng để cung cấp các sản phẩm không yêu cầu gấp rút về mặt thời gian.
Dù vậy, những người ủng hộ những lợi ích lâu dài của người máy vẫn nhận thấy những mặt tích cực mà dịch vụ này mang lại, chẳng hạn như chi phí giao hàng chặng cuối thấp hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan (Mỹ) cho biết, các phương tiện tự động hóa hoàn toàn và một phần có thể cắt giảm 10-40% chi phí giao hàng tại các thành phố lớn.
Việc chi phí sản xuất ngày càng thấp hơn cũng góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng người máy giao hàng. Theo Alibaba và JD.com, giá thành sản xuất mỗi người máy của họ là chưa đầy 39.000 USD, và vẫn đang tiếp tục giảm. Meituan cũng cho biết, mỗi người máy của công ty hiện có giá 62.000 USD và sẽ giảm xuống chỉ còn một nửa trong vòng 4 năm tới.
“Gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba coi việc sử dụng đội người máy của mình là một cách nhanh chóng, đáng tin cậy và tương đối rẻ để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng trên khắp Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Trong một bước tiến lớn nhằm đạt được mục tiêu này, Alibaba đang triển khai 1.000 người máy giao hàng trên khắp các khuôn viên trường đại học và các cộng đồng đô thị của Trung Quốc trong năm 2021.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận