BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Nguyên Hạnh
Chương trình "Y tế thông minh" sẽ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân, đồng thời hỗ trợ công tác quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện.
Ngoài ra, các ứng dụng "Y tế thông minh" sẽ hỗ trợ công tác cải cách hành chính và quản lý ngành và duy trì độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong cả thời kỳ COVID-19 và trong bối cảnh bình thường mới.
BS Tăng Chí Thượng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tham vọng trên, với lý do "có cơ sở dữ liệu mới có định hướng xây dựng ngành kinh tế".
TP.HCM đã bắt tay xây dựng kho dữ liệu Big Data cho ngành y tế của thành phố, cũng như triển khai nhiều ứng dụng như "Tra cứu nơi khám, chữa bệnh", các kiốt "Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh".
Đặc biệt, ông Tăng Chí Thượng cho biết thành phố đang lập hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) với mục tiêu "phấn đấu tới năm 2025, 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử".
Tuy nhiên, phó giám đốc Sở Y tế cũng nhấn mạnh khó khăn hiện tại là không có đủ nhân lực công nghệ thông tin cho ngành y tế. Theo ông, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất Bộ Y tế xây dựng trung tâm công nghệ thông tin cho ngành.
Y tế số đang từng bước chuyển đổi ngành chăm sóc sức khỏe tại các nước thành viên ASEAN, bao gồm Việt Nam. Những thay đổi về nhân khẩu học, cùng với sự gia tăng thu nhập và tăng trưởng kinh tế đã góp phần gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Công nghệ kỹ thuật số đã trở thành yếu tố thúc đẩy chính giúp bệnh nhân chủ động tham gia vào việc chăm sóc bản thân, hỗ trợ ngành y tế cải thiện kết quả lâm sàng và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận