Cơ chế nào "cởi trói" cho doanh nghiệp để giải phóng sức sáng tạo
Trong khuôn khổ hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – hội nhập – hiệu quả - bền vững”, lãnh đạo các bộ, ngành và đại biểu tham dự đều chung một nhận định cần phải có những cải cách chính sách quyết liệt hơn để "cởi trói", tháo gỡ khó khăn vướng mắc; giải phóng sức sáng tạo.
- Blockchain sẽ làm gia tăng lợi thế khi cạnh tranh của doanh nghiệp
- Thủ tướng cam kết sự đồng hành của Chính phủ trong phát triển của doanh nghiệp
- Thủ tướng chủ trì hội nghị với doanh nghiệp
Cần phải "cởi trói" cho doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt khoảng 34,3 triệu tỷ đồng/năm, tăng 82% so với bình quân của giai đoạn 2011-2015; riêng năm 2018, đạt 41,7 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017 và tăng xấp xỉ gấp 3 lần so với năm 2011.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 đạt 243,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,2% so với năm 2017; đáng chú ý là đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước dần được cải thiện.
Số lao động hiện làm việc trong khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 27% lực lượng lao động của toàn xã hội, thu hút bình quân 14,5 triệu lao động/1 năm trong giai đoạn 2016-2018, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
“Có được kết quả đáng khích lệ như vậy là nhờ sự nỗ lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Với định hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, nhà nước cần chứng minh cho người dân và nhà đầu tư thấy sự bền vững của thể chế mới.
Mọi khoản đầu tư, mọi doanh nghiệp được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. Để làm được điều này, nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách quyết liệt hơn để vừa cởi trói cho doanh nghiệp để cạnh tranh, vừa tạo việc làm vừa mang đến cho mọi người sự tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn.
Ông Thân cũng đề nghị Chính phủ chuyển giao một chuỗi dịch vụ công từ các bộ ngành, địa phương cho các hiệp hội. Qua đó, góp phần giảm chi phí của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và cũng là cơ sở để các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, huy động nguồn lực xã hội, giảm chi phí nhà nước.
Ông Lê Tiến Trường, Hiệp hội dệt may Việt Nam kiến nghị, để Chính phủ có chính sách đầu tư hướng tới sản xuất nhanh như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính phủ quy hoạch khu công nghiệp dệt may có đủ hạ tầng để phục vụ chuỗi cung ứng. Không thu thuế VAT với sản phẩm nguyên liệu trong nước.
Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang kiến nghị, Chính phủ và bộ, ngành có chính sách hỗ trợ về thuế, phí để khởi nghiệp thuận lợi trong các ngành nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt ô tô điện. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng ần có chính sách khuyến khích nhà sản xuất và phân phối và tiêu dùng.
Mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra, mặc dù, số doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao, đồng thời, còn thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa, nếu có, thì vẫn còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Về trình độ lao động và quản lý, có tới hơn 55,6% chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống; 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Nhìn chung, nguồn nhân lực còn yếu về chất lượng, thiếu năng động, sáng tạo, tác phong công nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực hiện đang là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển.
Về phía Nhà nước, hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều tồn tại và bất cập; chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số chính sách quan trọng đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.
Không chỉ thế, cải cách hành chính nhằm đẩy mạnh cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn lực, đất đai, khoa học công nghệ còn yếu và chưa kịp thời; thủ tục còn phức tạp, doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian và chi phí để tiếp cận.
Mức độ bảo vệ nhà đầu tư còn thấp, chưa trở thành điều kiện hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh, chưa khơi thông được nguồn lực còn rất nhiều tiềm năng trong xã hội...
Để phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân trở thành trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.
Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia,…
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận