Định mức hạn chế tồn dư chất cấm Ethylene Oxide trong thực phẩm cần sớm được luật hoá
Liên quan đến vụ việc mì Hảo Hảo bị các cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu thu hồi vì có chứa chất cấm Ethylene Oxide, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về định mức hạn chế tồn dư chất này trong thực phẩm.
- Ethylene Oxide là chất gì mà bị EU cấm sử dụng trong thực phẩm?
- Mì Hảo Hảo bị cơ quan an toàn thực phẩm Iceland thu hồi vì chứa chất cấm Ethylene Oxide
- Mì Hảo Hảo chứa chất cấm Ethylene Oxide - Bộ Công Thương nói gì?
Văn bản nêu rõ, xét báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Ethylene Oxide và bị thu hồi tại một số nước châu Âu, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế căn cứ quy định tại Điều 62 Luật An toàn thực phẩm, khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Ethylene Oxide bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Công Thương rà soát, cập nhật và thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm... trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Chỉ tiêu về tồn dư chất cấm Ethylene Oxide trong thực phẩm cần sớm được luật hoá để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra làm rõ nguyên nhân sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Ethylene Oxide để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự.
Trước đó, thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra phản ánh của báo chí việc sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam có chất cấm, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/9.
Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi tham vấn kỹ thuật với các nhà khoa học, tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước về khả năng xuất hiện của EO trong công nghệ sản xuất các sản phẩm chế biến bột, rau, củ sấy và gia vị.
Đặc biệt, rà soát lại các kết quả kiểm tra, hậu kiểm đã tiến hành từ giai đoạn 2019 đến nay đối với các sản phẩm tương tự. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đã khẩn trương, tích cực điều tra nguyên nhân phát sinh trong sản phẩm và đã gửi Bộ Công Thương 2 báo cáo vào các ngày 28/8 và 10/9.
Theo đó, Công ty đã tiến hành rà soát toàn bộ quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và lấy mẫu một số sản phẩm để tiến hành phân tích đối với chỉ tiêu EO tại đơn vị kiểm nghiệm là Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng.
Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu kiểm nghiệm đều không phát hiện EO với phép thử có giới hạn phát hiện là 0,003 mg/kg, nhưng phát hiện ra chất 2-CE với các giá trị phát hiện từ 0,62 mg/kg đến 5,98 mg/kg.
Hơn nữa, bước đầu phát hiện có nhà cung cấp sử dụng EO để khử khuẩn trong một số nguyên liệu và kết quả phân tích nguyên liệu của một số nhà cung cấp cũng phát hiện có chất 2-CE trong sản phẩm.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận