Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp Việt Nam chủ động hay chịu thua
Gần đây, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển, nó đem đến lợi ích nhiều mặt và cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Liệu rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có đón được làn sóng này để chủ động vào cuộc đổi đời để tăng trưởng, phát triển hay chịu thua trước tốc độ đột phá của Cách mạng công nghiệp 4.0?
- Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ là nền tảng đề điện ảnh Việt Nam thăng hoa
- Bước đột phá trong phát triển kinh tế thời đại 4.0 ở Việt Nam
- Chuyển đổi số không còn là xu hướng trong thời đại 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra là sự kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kĩ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kĩ thuật số và sinh học.
Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia và những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lí và quản trị.
Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đặt ra lời giải cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, với bất kể qui mô lớn hay nhỏ, đều là đầu tư vào khoa học và công nghệ, coi đó là giải pháp chính cho đổi mới mô hình tăng trưởng của từng doanh nghiệp, đó là cũng là cách thức định hướng để bước vào cuộc CMCN 4.0.
Nhưng, để thực hiện nó không hề đơn giản chút nào, càng đặc biệt khó đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam mà đại đa số còn ở khoảng cách rất xa về năng lực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ số...
Nhất là trong bối cảnh tại các nước đang tiến hành CMCN 4.0 đã có một số doanh nghiệp, nhà máy sử dụng các robot để thay thế con người, robot kiểm soát và điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất, hoạt động suốt ngày đêm mà gần như không cần sự can thiệp của con người. Thực sự công nghệ số đang định hình lại các môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người ở những nơi đó.
Trong khi đa số DNNVV Việt Nam đang sử dụng công nghệ của thập niên 80 của thế kỷ trước, với 52% đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ 10% là thiết bị hiện đại.
Cả nước chỉ có khoảng trên 2000 DN khoa học - công nghệ, trong đó có khoảng 400 DN công nghệ cao. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp bình quân chiếm khoảng 0,3% doanh thu (ở Ấn Độ tỉ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%). Quả thực là, với thực tế trên, thì dù có là người lạc quan nhất cũng không thể không lo lắng.
Khi công nghiệp 4.0 đang ập đến, nếu DNNVV còn tiếp tục thờ ơ, đứng ngoài cuộc như Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ III chắc chắn sẽ tụt hậu. Trong thương trường, tụt hậu nghĩa là doanh thu giảm dần, hàng hóa, dịch vụ sẽ dần dần không bán được, dẫn đến mất thị trường, điều đó đồng nghĩa với việc bị loại bỏ, bị đào thải, nếu không muốn nói là sẽ “chết”.
Tôi muốn nhấn mạnh đến bối cảnh cạnh tranh hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với các cuộc cách mạng công nghiệp 2 và 3, do tính thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải cạnh tranh một cách bình đẳng trong một “sân chơi” chung, tuân thủ một pháp luật chung với các doanh nghiệp nước ngoài.
Lợi thế về mặt quốc tịch sẽ không còn, các DNNVV cũng không thể trông đợi vào lợi thế “sân nhà” nữa. Vì thế, các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng buộc phải nhập cuộc cùng CMCN 4.0 với tinh thần cao nhất, quyết tâm cao nhất để tồn tại và phát triển.
Có một sự thực rất đáng buồn, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là, đại bộ phận DNNVV chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị gì để nhập cuộc. Đã có rất nhiều doanh nghiệp khi được hỏi về CMCN 4.0 này, họ chỉ có thể trả lời được là “mới chỉ nghe nói trên các phương tiện truyền thông gần đây”.
Những khái niệm về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano,…, với nền tảng là các đột phá của công nghệ số rất xa lạ đối với họ.
Ngoài ra chúng ta còn có những hạn chế khác như: Tính đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng còn yếu; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu công nghệ cao; Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan Nhà nướccòn yếu; Các rào cản trong thủ tục hành chính... tất cả những điều đó là những thử thách rất lớn.
Khi phải đối đầu cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại “cùng cỡ”, có qui mô vừa và nhỏ, với nền tảng trình độ công nghệ cao, tính chuyên nghiệp cao, sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chứ chưa kể đến những tập đoàn kinh tế đa quốc gia, thì nguy cơ thua trên sân nhà là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, cũng có những cơ hội rất đáng để hy vọng và hành động, là bất luận trong hoàn cảnh nào, thách thức nào cũng đi kèm bên cạnh nó là những cơ hội. Bởi ngay trong giai đoạn đầu của tiến trình phát triển Công nghiệp 4.0, nhờ vào công nghệ số, sự kết nối thông minh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật lý ..., sẽ làm thay đổi cách thức phân phối. Theo đó, các chi phí thương mại sẽ giảm bớt, như chi phí giao thông vận chuyển, thông tin, dịch vụ hậu cần.
Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, kể cả chuỗi cung ứng sẽ trở nên hiệu quả hơn thị trường sẽ mở rộng hơn thúc đẩy tăng trưởng.
Công nghiệp 4.0 sẽ cho chúng ta chứng kiến sự thay đổi trong cạnh tranh, không phải kẻ mạnh hơn lúc nào cũng thắng. Trong một số lĩnh vực, tri thức còn quan trọng hơn cả vốn tư bản.
Điều đó có nghĩa là, trong Công nghiệp 4.0 thì “nhỏ” có nhiều cơ hội để thắng “lớn” hơn. Đó chính là thời cơ cho các DNNVV Việt Nam “đi tắt đón đầu” nếú biết chớp lấy, tận dụng cơ hội để tiếp cận với các công nghệ hiện đại tiên tiến, từ đó nghiên cứu, sáng tạo, phát triển để cải thiện phẩm chất, tốc độ và giá cả của hàng hóa, dịch vụ mình cung ứng.
Với những lợi thế về địa lý, về con người, về văn hóa của Việt Nam, dựa trên những giá trị “cốt lõi” mà không nhiều quốc gia khác trên thế giới có được và nếu chúng ta biết vận dụng một cách linh hoạt và thông minh những giá trị đó thì có thể tự tin, khẳng định là các ngành nông nghiệp, thủy sản, du lịch, văn hóa, tin học và một số ngành khoa học tự nhiên khác, ngành dich vụ khác của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngay trong giai đoạn đầu của tiến trình phát triển Công nghiệp 4.0, nhờ vào công nghệ số, sự kết nối thông minh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật lý... đã làm thay đổi nhiều cách thức, cấu trúc mà chúng ta đang có, nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào, thách thức cũng đi kèm bên cạnh nó là những cơ hội. Thành bại là do khả năng thích ứng của chúng ta.
TS. Tô Hoài Nam
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận