CMCN 4.0: Tận dụng cơ hội để phát triển
Tại Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nhìn nhận như là một cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng: "Cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội để thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Diễn đàn cao cấp về Công nghiệp 4.0. Ảnh minh họa: TTXVN
Khái niệm công nghiệp 4.0 xuất hiện lần đầu năm 2013 tại Đức khi đề cập đến chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa sản xuất mà không còn cần đến sự tham gia của con người. Từ đó đến nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có sự tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, người máy làm việc thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô hạn.
Việc trút bỏ gánh nặng cho công nghệ cao và máy móc thông minh đã tạo cơ hội cho con người làm việc và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Chính vì vậy, công nghiệp 4.0 đã trở thành một xu thế tất yếu của trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Nhiều quốc gia phát triển đã có các chương trình cho riêng mình về sản xuất dựa trên những tiến bộ của khoa học và công nghệ, cụ thể nước Mỹ có “Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến”, nước Pháp có “Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp”, Hàn Quốc có “Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai”, Trung Quốc có “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”, Nhật Bản có “Xã hội thông minh 5.0″…
Tại Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhìn nhận như là một cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng: "Cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội để thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Bài viết tập trung vào phân tích các yếu tố thuận lợi và khó khăn, từ đó đề ra một số giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng thành công cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại.
Thuận lợi
Thứ nhất, việc đi sau và thừa hưởng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp Việt Nam tiết kiệm được thời gian nghiên cứu để phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh sẵn có
Cách mạng 4.0 sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí hoạt động và quản lí, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đặc biệt là thông qua những việc cải tiến quy trình, cải tiến sản phẩm dịch vụ và nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cơ hội kết nối và tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong khu vực và toàn cầu, có cơ hội tiếp cận các thị trường mới, doanh nghiệp bạn hàng mới để từ đó sáng tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới.
Đề án thí điểm “ứng dụng khoa học công nghệ quản lí vận tải hành khách theo hợp đồng” theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải trong thời gian vừa qua là ví dụ điển hình của việc tận dụng thành công thành quả của cách mạng 4.0. Ứng dụng công nghệ kết nối dịch vụ vận tải đã giúp các đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng chuẩn hóa chất lượng dịch vụ, có nhiều cơ hội tiếp xúc với khách hàng hơn, tạo điều kiện cho họ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các hãng taxi truyền thống. Ứng dụng kết nối cũng mang lại cơ hội kinh doanh và cơ hội thu nhập tốt hơn cho các tài xế.
Điều đáng lưu ý ở đây là sáng tạo công nghệ đã giúp chia nhỏ các công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải truyền thống, tạo cơ hội kinh doanh cho các bên tham gia vào chuỗi giá trị mới, cả đơn vị vận tải và đơn vị công nghệ, mà vẫn giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và được người tiêu dùng ủng hộ.
Thứ hai, với các ưu điểm như dân số trẻ, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet cao, mức độ tiếp cận và ứng dụng công nghệ tốt, nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang tạo ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng Dữ liệu lớn.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những công nghệ quan trọng là Dữ liệu lớn (Big Data). Đây được xem là yếu tố cốt lõi để sử dụng và phát triển vạn vật Internet (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu từ phía cung, cơ sở dữ liệu từ phía cầu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ trong việc chuyên môn hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.
Theo thống kê của “Báo cáo tổng quan thị trường di động Việt Nam đầu năm 2017”[1] do Công ti Appota côngbố, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối với Internet. Số người chỉ sử dụng điện thoại để truy cập Internet ở Việt Nam, đặc biệt là ở độ tuổi từ 18-34 tuổi, chiếm tỉ lệ rất cao so với tỉ lệ người chỉ sử dụng máy vi tính hoặc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau.
Ngoài ra, Việt Nam là nước được biết có kết nối di động cao: 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và theo dự báo, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (Google APAC) và 46% người sở hữu máy tính cá nhân[2].
Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến[3], chi tiêu của nhóm này đang chiếm một phần ba chi tiêu trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam. Cụ thể, tại các đô thị lớn, tỉ lệ dân số có sử dụng điện thoại lên đến 95%. Trong đó, 78% là sử dụng smartphone. Với những tiện ích từ smartphone mang lại, người sử dụng có thể truy cập mạng xã hội, đọc tin tức, chat hoặc mua sắm các sản phẩm cần thiết, từ việc tìm thông tin sản phẩm, xem đánh giá bình luận và so sánh về giá cả mỗi khi dự định mua một món hàng nào đó.
Như vậy, có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện vào đúng thời kỳ dân số vàng, đồng thời cũng đúng thời kỳ đổi mới ở Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong việc xây dựng Dữ liệu lớn, làm nền tảng triển khai các trụ cột khác của nền công nghiệp 4.0.
Ở Việt Nam hiện nay, Dữ liệu lớn chủ yếu được sử dụng bởi các doanh thương mại điện tử, dịch vụ, truyền thông: FPT Telecom, Viettel, VnExpress, Zalo, Lazada, etc. để tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo, chăm sóc khách hàng.
Trong khi đó, ở các nước phát triển, Dữ liệu lớn đã và đang được áp dụng trong sản xuất để tạo nên “các nhà máy của tương lai”, dự kiến sẽ là các quy trình sản xuất cung cấp các luồng dữ liệu liền mạch qua các vòng đời sản phẩm, hệ thống sản xuất hoàn toàn tự động dựa trên phân tích dữ liệu, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Tại Singapore, nhà máy sản xuất của GSK sử dụng Dữ liệu lớn trong việc thu thập, phân tích dữ liệu, điều chỉnh thông qua chu trình “sản xuất liên tục”, cho phép sản xuất thuốc rẻ hơn và ít tác động hơn đến môi trường. Do đó, có thể thấy còn nhiều dư địa để xây dựng và ứng dụng Dữ liệu lớn ở Việt Nam.
Thứ ba, sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ đối với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ
Việc xây dựng và phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm này, Chính phủ đã xây dựng các giải pháp đồng bộ từ việc tập trung đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thông tin và hạ tầng tri thức cho đến việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghệ số trình độ cao đến năm 2020.
Bên cạnh các giải pháp chuẩn bị mang tính dài hạn, cũng cần nhận thấy sự tích cực của Chính phủ trong thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới, tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.
Khó khăn
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tích cực nêu trên, vẫn còn nhiều rào cản đối với việc tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đặc biệt là khả năng hấp thụ công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ nhất, năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam
Trong những năm gần đây, để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như từ tác động tích cực của những đổi mới trong cơ chế, chính sách, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp điển hình về đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, đầu tư cho công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực lớn, vì vậy, quá trình này diễn ra vẫn chậm chạp do gặp khó khăn về vốn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Tổng cục Thống kê công bố tháng 4 năm 2018[4], số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước, phần lớn doanh nghiệp chưa đạt được qui mô tối ưu (50-99 lao động) để có được mức năng suất lao động cao nhất. Số lượng doanh nghiệp lớn còn ít (chỉ chiếm 2,1%). Vì vậy, doanh nghiệp chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới, chưa thực hiện được chức năng cầu nối về công nghệ tri thức của thế giới vào thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp đều nhận thức được rằng, yếu tố đổi mới công nghệ trong sản xuất là một vấn đề sống còn. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử, hầu hết các ưu tiên trước đây đều dành cho các doanh nghiệp nhà nước, nặng về cách phát triển theo chiều rộng, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Điều này dẫn đến thực tế là các đơn vị có đủ năng lực tài chính thì trì trệ trong đổi mới công nghệ, trong khi các đơn vị “khát công nghệ” thì lại lực bất tòng tâm.
Hầu hết máy móc thiết bị của Việt Nam có công nghệ lạc hậu hàng chục năm so với thế giới. Trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang. Trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu khiến cho khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng tận dụng được tính lan tỏa của tri thức, công nghệ và năng suất lao động từ các tập đoàn xuyên quốc gia vào doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Thứ hai, mức độ sẵn sàng
Mức độ sẵn sàng về công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin được coi là nền tảng của phương thức phát triển mới. Tuy nhiên, Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai “Readiness for the Future of Production Report 2018” của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF đã cho thấy Việt Nam chưa sẵn sàng cho cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Đứng vào nhóm yếu kém với điểm bình quân 4.9/10, trong đó, điểm số của khung thể chế của Việt Nam chỉ đạt 5.0/10, xếp hạng 53/100 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát[5].
Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2017 - GII 2017) của của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, mặc dù GII 2017 của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, đứng thứ 47/127 nước và vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 12 bậc so với năm 2016. Tuy nhiên, điểm chỉ số khung thể chế trong GII 2017 của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 52.8/100 xếp hạng 87/127, trong đó có những chỉ số thành phần mà điểm số được đánh giá ở mức rất thấp như "chất lượng quy phạm" đạt 29.4/100 xếp hạng 100/127[6].
Mức độ sẵn sàng đối với cách mạng công nghiệp 4.0 cũng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của nguồn nhân lực. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh. Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới mới công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao[7].
Không chỉ mất đi không còn là thế mạnh, nguồn nhân lực giá rẻ hiện này có nguy cơ trở thành thách thức trong tương lai khi mà các lĩnh vực thủ công giờ đây máy móc đều có thể tác động đến, thậm chí làm tốt hơn. Điều này đòi hỏi con người cần phải không ngừng trau dồi bản thân, khiến mình đứng ở vị trí cao hơn, có thể điều khiển được máy móc một cách thông minh và hợp lí thì mới không bị đào thải giữa rất nhiều công nghệ tiên tiến hiện nay.
Ngoài ra, trong cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu là thứ quan trọng hàng đầu. Không có dữ liệu, những thứ mà người ta vẽ ra về Industry 4.0 chỉ là trên lý thuyết và mãi mãi không bao giờ áp dụng ra thực tế được. Để các thuật toán chạy được, và chạy đúng, cần rất nhiều dữ liệu thu thập liên tục từ nhiều máy móc, hệ thống khác nhau: Hệ thống nhân sự, hệ thống kế toán, hệ thống vận hành kho bãi, nhà máy, hệ thống bán hàng... Nếu dữ liệu không được thu thập đúng và đủ, thuật toán sẽ chạy sai khiến sản phẩm thu được không giống như ý muốn.
Do đó, bảo mật và an toàn thông tin cũng được coi là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công của cách mạng công nghiệp 4.0. Với hạn chế về qui mô doanh nghiệp, năng lực công nghệ như hiện tại, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin đang trở thành thách thức với đa phần doanh nghiệp Việt Nam.
Làm thế nào để tận dụng cơ hội?
Như phân tích ở trên, để thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài năng lực phát triển, sáng tạo khoa học, công nghệ thì năng lực hấp thụ và hiện thực hóa các thành quả khoa học, công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Trước thực trạng nền kinh tế Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nhiều hạn chế về tài chính và công nghệ, để nắm bắt và tận dụng các thành quả của các mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi có sự chung tay của cả Nhà nướcvà công đồng doanh nghiệp.
Về phía Nhà nước, cần nhanh chóng hiện thực hóa chính sách phát triển công nghiệp 4.0 bằng các hành lang pháp lí, chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ cho phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống. Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách và tài chính cho phát triển khoa học công nghệ, cũng cần phải hoàn thiện, đổi mới khung thể chế để tiếp nhận và điều chỉnh các hình thức kinh doanh mới mà cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 mang lại.
Tương tự như các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trước đây, thành quả mới luôn kéo theo sự phản kháng từ những cái cũ. Do đó, Nhà nướccần sớm có sự chuẩn bị để hỗ trợ chuyển đổi các ngành nghề truyền thống và nhanh chóng tiếp nhận thành quả công nghệ.
Ví dụ: Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải đã công nhận taxi điện tử tính cước bằng phần mềm bên cạnh taxi tính cước theo đồng hồ trước đây; hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng vận tải bằng giấy như trước đây.
Về phía doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần xác định được hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, từ đó tận dụng và phát huy tối đa sức mạnh để có thể tham gia vào chuỗi giá trị đang ngày càng được mở rộng nhờ vào thành quả của cách mạnh công nghiệp 4.0. Doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ cần tập trung vào phát triển, sáng tạo công nghệ mới.
Doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ cần tận dụng thành quả công nghệ để chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, chất lượng dịch vụ sản phẩm để có thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp của kết nối, của khoa học và công nghệ, của đổi mới sáng tạo. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định được vị trí của mình, xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi sản phẩm để chủ động hơn trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Trong chuỗi giá trị của sản phẩm, thị trường không còn bị giới hạn bởi biên giới lãnh thổ, mà được mở rộng ra khu vực, thậm chí, toàn cầu. Các doanh nghiệp cần phải đặt sản phẩm, dịch vụ của mình trong bối cảnh của thị trường khu vực và thế giới, chuẩn bị sẵn tâm thế tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Nguồn: PGS. TS. Ngô Trí Long
Chuyên gia kinh tế
Theo Tạp chí Điện tử
-----------------------------------------------------------------------
[1] https://www.vietnamplus.vn/94-nguoi-dung-Internet-truy-cap-mang-xa-hoi-q...
[2] http://vov.vn/cong-nghe/tin-moi/10-nguoi-viet-se-co-8-nguoi-dung-dien-th...
[3] https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/thuong-mai-dien-tu/viet-nam-co-2...
[4] http://vietq.vn/nguyen-nhan-dan-den-nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-thap...
[5] Readiness for the Future of Production Assessment 2018, trang 251
[6] The Global Innovation Index, GII 2017, trang 308
[7] http://dantri.com.vn/viec-lam/thach-thuc-nhan-luc-cho-cach-mang-40-20180...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận