Mã Bưu chính triển khai Chính phủ điện tử mang lại lợi ích cho hơn 24 triệu hộ gia đình trên toàn quốc
Chu Quang Hào
Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam
- VNPost - Một phần trọng yếu trong xây dựng Chính phủ điện tử
- VNPost nhảy vào thị trường bảo hiểm xã hội điện tử
- Hệ thống mã bưu chính quốc gia - Tháng 6/2020 sẽ hoàn thành chi tiết tới từng địa chỉ
*Tạp chí Điện tử trích lược các đề xuất, tham luận của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để Bưu điện Việt Nam phát triển giai đoạn mới (2020 – 2030), đảm bảo liên tục đổi mới, củng cố, mở rộng và phát triển bền vững.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ TTTT, được Nhà nước chỉ định là đơn vị duy nhất cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích, có trách nhiệm tổ chức khai thác hiệu quả mạng bưu chính công cộng trên toàn quốc nhằm phục vụ yêu cầu của chính quyền và đông đảo người dân.
Với mạng lưới hiện có hơn 13.000 điểm giao dịch phủ khắp các tỉnh thành, trong đó có trên 8.000 BĐ-VHX trải rộng đến tận các địa bàn vùng sâu vùng xa, với lực lượng lao động đông đảo (trên 70.000 người, bao gồm cả cộng tác viên, đại lý), cùng hệ thống phương tiện hỗ trợ đồng bộ, hiện đại, trong thời gian vừa qua Bưu điện Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ công ích nhà nước giao, khai thác hiệu quả mạng Bưu chính công cộng phát triển kinh doanh, khẳng định vị thế số 1 trên thị trường dịch vụ Bưu chính chuyển phát hiện nay.
Trụ sở Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Số 5 Phạm Hùng, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: VNPOST
Với trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt - doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực bưu chính, Bưu điện Việt Nam luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia triển khai các đề án lớn, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Bộ ngành giao, trong đó, nhiệm vụ nổi bật trong năm 2019 đó là tham gia cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hành chính công, cải cách thủ tục hành chính, tham gia triển khai dự án xây dựng mã địa chỉ bưu chính chi tiết tới địa chỉ.
1. Xây dựng Hệ thống Mã địa chỉ bưu chính chi tiết tới từng hộ dân cư trên cả nước
Trên cơ sở Bộ mã bưu chính quốc gia do Bộ TTTT ban hành, Bưu điện Việt Nam tổ chức xây dựng hệ thống mã địa chỉ bưu chính chi tiết tới địa chỉ của từng hộ dân cư, phục vụ quá trình chuyển phát bưu gửi nhanh chóng, chính xác tới người nhận tại từng địa chỉ; Từ đó hình thành cơ sở dữ liệu địa chỉ bưu chính gắn với mã bưu chính quốc gia.
Với mục tiêu hình thành tiêu chuẩn chung về cơ sở dữ liệu địa chỉ, tạo sự ổn định, thuận lợi cho người dân khi sử dụng mã địa chỉ bưu chính, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp bưu chính trong tác nghiệp, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh các dịch vụ mới dựa trên cơ sở dữ liệu địa chỉ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tiến hành xây dựng mã địa chỉ bưu chính đến từng hộ dân theo các bước như sau: tiêu chuẩn hóa địa chỉ và dữ liệu địa chỉ; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ; quản lý và làm giàu cơ sở dữ liệu địa chỉ trên nền tảng bản đồ số.
Với thế mạnh về năng lực mạng lưới bưu điện (bao gồm cả nhân lực và các nguồn lực khác), chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3/2019), Bưu điện Việt Nam đã tổ chức thu thập cơ sở dữ liệu địa chỉ tới hơn 24 triệu hộ gia đình trong toàn quốc. Đặc biệt, việc xây dựng mã địa chỉ bưu chính đến hộ gia đình được kết hợp triển khai cùng việc tham gia đề án “Phát triển Hệ tri thức việt số hóa” với dự án nổi bật mà Bưu điện Việt Nam được giao triển khai đó là dự án “Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam”. Đây là một trong số những ứng dụng hiệu quả của cơ sở dữ liệu mã địa chỉ bưu chính đến từng hộ gia đình, hệ thống mã bưu chính đến từng hộ gia đình được cập nhật trên bản đồ số Việt Nam (V-map). Trên cơ sở đó, Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện tích hợp và hiển thị lớp bản đồ về các cơ sở du lịch, cơ sở lưu trú, các cơ sở khám chữa bênh, nhà thuốc, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, địa chỉ nhân đạo lên bản đồ Vmap.
Với việc triển khai các nội dung như trên, Bưu điện Việt Nam cam kết với Bộ trưởng sẽ hoàn thành Xây dựng Hệ thống Mã địa chỉ bưu chính chi tiết tới từng hộ dân cư trên cả nước vào 01/06/2020.
2. Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn về hộ gia đình - mang lại tiện ích và đáp ứng toàn diện nhu cầu của hộ gia đình, của từng cá nhân
Năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, BĐVN cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai hệ thống định danh và xác thực điện tử để kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống này sẽ giúp người dân xác thực các thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, giấy tờ tuỳ thân, địa chỉ… để tham gia vào các giao dịch điện tử, tránh các trường hợp mạo danh, giả mạo. Trong quá trình thực hiện việc định danh và xác thực điện tử, Bưu điện Việt Nam cũng đồng thời giúp các cá nhân/tổ chức xác thực địa chỉ. Đây cũng là cơ sở để Bưu điện Việt Nam tiếp tục thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu địa chỉ, đảm bảo cơ sở dữ liệu về địa chỉ, về hộ gia đình luôn “sống”, được cập nhật và làm giàu thường xuyên.
Trên cơ sở xây dựng mã địa chỉ bưu chính đến từng hộ gia đình, năm 2020, Bưu điện Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, thiết lập những nền tảng CSDL lớn như CSDL hộ gia đình. Trong quá trình triển khai CSDL địa chỉ và Hệ thống định danh xác thực điện tử, lực lượng bưu tá, nhân viên Bưu điện sẽ tiếp cận trực tiếp đến địa chỉ và từng cá nhân trong hộ gia đình. Đây là điều kiện thuận lợi để BĐVN xây dựng CSDL lớn trong lĩnh vực bưu chính nhằm xác định nhu cầu của hộ gia đình, của từng cá nhân để cung cấp các dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử, logistics,thanh toán, hành chính công, giáo dục, y tế, nhân đạo, các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng… đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các hộ gia đình và từng người dân, tới tận địa bàn xã…
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện nền tảng, giải pháp quản trị cơ sở dữ liệu 24 triệu hộ gia đình, Bưu điện Việt Nam sẽ xây dựng các nền tảng ứng dụng số, hệ thống quản trị cung ứng dịch vụ đa kênh, triển khai các platform bán hàng tích hợp tất cả sản phẩm, dịch vụ của Bưu điện và các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu khác phục vụ nhu cầu của người dân, giúp các hộ gia đình, đặc biệt là tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất với mức giá cả và chất lượng đảm bảo (ngoài các sản phẩm dịch vụ thiết yếu còn bao gồm cả các dịch vụ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, dịch vụ thanh toán, thu hộ, chi hộ…- là những dịch vụ mà hiện tại người dân tại địa bàn nông thôn đang khó khăn để có thể tiếp cận và sử dụng).
3. Bưu điện Việt Nam với chiến lược chuyển đổi số, từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực bưu chính
Bưu điện Việt Nam đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số và từng bước chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực Bưu chính. Hơn ai hết, đội ngũ lãnh đạo của Bưu điện Việt Nam nhận thức Chuyển đổi số là giải pháp sống còn của các doanh nghiệp để thích ứng với bối cảnh biến động liên tục.
Ngay từ tháng 4/2019, Chiến lược chuyển đổi số đã được gấp rút xây dựng và dần cụ thể hóa thành các chương trình, dự án để chuyển đổi toàn diện các mặt hoạt động của Tổng công ty bao gồm: Đổi mới hoạt động quản lý khách hàng, tự động hóa khai thác vận chuyển; bước đầu tạo dựng quy trình quản lý thông minh cho công tác quản trị chiến lược, tài chính kế toán, quản trị nguồn nhân lực; nghiên cứu thí điểm các dịch vụ số mới đáp ứng nhu cầu kết nối số và vật lý của cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp…
Cùng với chuyển đổi số, Bưu điện Việt Nam cũng xác định định hướng dài hạn trở thành doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực bưu chính. Theo đó, Bưu điện Việt Nam đang hướng tới xây dựng một môi trường thúc đẩy sáng tạo, học hỏi không ngừng để ứng dụng nhanh chóng các thành tựu công nghệ tiên tiến; đa dạng hóa các dịch vụ số, hỗ trợ khách hàng ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực liên quan và nắm sức mạnh dữ liệu, công nghệ để tích cực tham gia triển khai các chương trình, đề án quốc gia.
Việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số chính là nền tảng và là điều kiện để Tổng công ty tham gia vào các đề án của Chính phủ (như Itrithuc, Vmap, tham gia chính phủ điện tử, PostID, thanh toán không dùng tiền mặt, cơ sở dữ liệu dân cư, an sinh xã hội…), cũng như các nhiệm vụ Bộ Thông tin và Truyền thông giao trong đó có việc xây dựng mã địa chỉ bưu chính tới từng hộ gia đình, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu lớn trong lĩnh vực bưu chính.
Các nội dung trên chính là tiền đề quan trọng để Bưu điện Việt Nam tổ chức triển khai chiến lược phát triển giai đoạn mới (2020 – 2030), đảm bảo liên tục đổi mới, củng cố, mở rộng và phát triển bền vững.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận