Trà Vinh: Ứng dụng công nghệ 4.0 nuôi tôm siêu thâm canh mang lại hiệu quả lớn
Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh đang triển khai mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh nhằm phục vụ cho chương trình phát triển vùng quy hoạch nuôi tôm thẻ, tôm sú siêu thâm canh. Điều này đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” châu Âu, Bắc Mỹ, nhất là xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
- Công nghệ bảo vệ động vật hoang dã như thế nào?
- Cách mạng công nghệ 4.0 tác động đến lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật
- Công nghệ quảng cáo mới và hiện đại đón đầu các hiệp định FTA
Kỹ sư Nguyễn Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện đơn vị triển khai thực hiện hai mô hình thực nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Duyên Hải, bước đầu mang lại hiệu quả rất tốt.
Cụ thể, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh được sử dụng bộ cảm biến quản lý hệ thống quan trắc về độ pH, độ kiềm trong nước, lượng ô xy trong nước, nhiệt độ, cảnh báo môi trường nước. Toàn bộ hệ thống quan trắc này được tự động hóa hoạt động theo nguyên lý tập trung về môt trung tâm.
Chẳng hạn như: việc kiểm tra môi trường nước được tự động lấy từ các điểm ao nuôi tôm rồi chuyển theo đường ống dẫn về thiết bị đo tại trung tâm tích hợp để phân tích về các chỉ số. Kết quả, sau khi phân tích sẽ được đưa về máy chủ lưu trữ và người nuôi có thể theo dõi qua máy vi tính kết nối internet, điện thoại thông minh.
Từ đó, giúp người nuôi xử lý kịp thời những tác động xấu đến sức khỏe tôm nuôi. Ông Nguyễn Nhật Hoàng, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải là một trong 2 hộ thực hiện ứng dụng công nghệ 4.0 để nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh.
Ông Hoàng cho biết, với diện tích 1.500 m2 mặt nước ao được xây dựng theo quy trình kỹ thuật nuôi siêu thâm canh và lắp đặt hệ thống quan trắc, ông thả nuôi tôm giống với mật độ 200 con/m2. Đến nay, tôm nuôi được 90 ngày tuổi, đạt trọng lượng khoảng 45 con/kg, dự kiến trong 30 ngày nữa sẽ thu hoạch, ước năng suất đạt khoảng hơn 5,6 tấn/ha.
Theo ông Hoàng, việc ứng dụng hệ thống quan trắc đạt rất nhiều ưu thế, giúp người nuôi theo dõi chặt chẽ từ xa về những biến động thời tiết bên ngoài và cả môi trường trong ao nuôi để kịp thời điều chỉnh, xử lý, hạn chế mức thấp nhất tác động xấu cho tôm nuôi.
Tỉnh Trà Vinh định hướng phát triển ngành tôm trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, bền vững. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 70.640 tấn/năm và đến năm 2030 đạt trên 103.300 tấn/năm.
Theo đó, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn đang chủ động phối hợp cùng các trung tâm, học viện, các nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển nuôi tôm bền vững.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay, con tôm của tỉnh Trà Vinh đã xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ. Tỉnh cũng đang hướng đến việc xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ, đây là thị trường rất tiềm năng nhưng cũng rất ”khó tính”, đòi hỏi sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Do vậy, tỉnh chủ trương khuyến khích doanh nghiệp và hộ nuôi ý thức sản xuất tôm theo chuỗi từ khâu sản xuất con giống đến chế biến ứng dụng công nghệ cao, bền vững môi trường để mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị cho con tôm Trà Vinh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận