Siết chặt kinh doanh thực phẩm chức năng trên môi trường số
Lợi dụng dịch COVID-19, trong thời gian vừa qua, nhiều đối tượng đã liên tục rao bán vô số loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là có công dụng hỗ trợ sức khoẻ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Thực tế này đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất uy tín.
- Bộ Công Thương cần thiết lập trật tự thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng
- Ethylene Oxide là chất gì mà bị EU cấm sử dụng trong thực phẩm?
- Anh cấm quảng cáo thuốc lá điện tử trên mạng xã hội
Nhập nhèm nguồn gốc, chất lượng
Sau khi bị F0, do lo ngại di chứng hậu COVID-19 nên chị Trần Thị Minh Anh (SN 1995, quận Cầu Giấy) có đặt mua một số loại thực phẩm chức năng có công dụng hỗ trợ đường hô hấp. Tuy đơn hàng có mức giá từ 500.000 - 700.000 đồng, quảng cáo là hàng xách tay nhưng khi nhận ship, chị Minh Anh bỗng cảm thấy bất an vì sản phẩm đặt mua không hề có tem nhãn phụ.
Chị cũng thử quét mã vạch nhưng không thể tìm thấy thông tin thành phần, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Chị Trần Thị Minh Anh chia sẻ: "Từ khi hết F0, tôi thấy trong người hay mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ..., nên đã tìm hiểu, đặt mua sản phẩm này trên sàn thương mại điện tử. Thấy sản phẩm trong gian hàng được nhiều người review, đánh giá, bình chọn 5 sao nên tôi cũng không nghi ngờ gì nên đã mua để dùng thử.
Khi nhận hàng thì sản phẩm không hề có nhãn tem phụ, khác hẳn với lời quảng cáo. Mở hộp thì tôi thấy thuốc đã có dấu hiệu bị ẩm, chảy nước nên cũng rất lo lắng, không dám đem ra sử dụng".
Sau khi khỏi COVID-19 được 1 tuần, chị Nguyễn Thị Tuyết (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bị suy nhược cơ thể, cổ họng sưng đau, hít thở khó khăn. Chị Tuyết lo rằng đây là dấu hiệu tổn thương sau khi mắc COVID-19.
Thay vì đến bệnh viện kiểm tra, chị đã tin tưởng, nghe theo lời "rỉ tai" của các F0 đã khỏi bệnh để tìm mua các loại vitamin, thuốc bổ, thực phẩm chức năng và sử dụng theo liều lượng người bán hàng tự kê đơn.
Tình trạng kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức.
"Tuy chưa bị F0, nhưng tôi cũng được bạn bè khuyên nên đặt mua một số thực phẩm chức năng để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ đường hô hấp. Gọi điện cho người bán hàng trên facebook, chỉ một ngày sau tôi đã nhận được đủ các loại thuốc bổ.
Điều đáng nói, chỉ cần nói sơ qua nhu cầu của bản thân, người bán hàng này đã sẵn sàng kê đơn online dù họ không được đào tạo qua trường lớp về y khoa, dược phẩm nào" - anh Trần Minh Khoa (SN 1990, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cho hay.
Cần siết chặt quản lý
Mới đây, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức. Việc kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường số ngày càng diễn biến phức tạp.
Trong đó, nổi cộm nhất là các mặt hàng thực phẩm chức năng được làm giả xuất xứ, không đạt tiêu chuẩn công bố. Trên môi trường mạng ngày càng xuất hiện nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, quá công dụng, dễ gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh, quảng cáo không đúng với nội dung và chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Sản phẩm sữa non được một gian hàng thương mại điện tử quảng cáo có chức năng tăng sức đề kháng, chống COVID-19... Ảnh: Chụp màn hình.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, sắp tới cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin với các đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm chức năng.
Đặc biệt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tạo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công Thương đã tăng cường quản lý các sàn thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp, kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng. Nổi bật là năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, website rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm trên các sàn và website thương mại điện tử lớn.
Đơn vị này cũng đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) rà soát các website, ứng dụng thương mại điện tử và gỡ bỏ trên 200 gian hàng và trên 500 sản phẩm vi phạm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ làm mất lòng tin, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm thiệt hại không nhỏ đến các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, làm ăn chân chính.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận