“Đồng tâm, hiệp lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử”
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương diễn ra vào ngày 12/2/2020.
- Các sản phẩm phục vụ chính phủ điện tử phải đảm bảo an ninh mạng là hàng đầu
- Ban hành kế hoạch hoạt động của UBQG về Chính phủ điện tử năm 2020
- "Chính phủ điện tử chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi an toàn phục vụ người dân và doanh nghiệp"
- Tình hình triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam
Công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử đã có nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong năm 2019, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, Hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đi vào hoạt động đã đạt được những hiệu quả bước đầu. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.
Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019.
Trong năm 2019, công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử cũng đã có những kết quả tích cực.
Đến nay, cả nước có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Gắn với cải cách hành chính
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, địa phương đã có những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực như: Rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi,...
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nước ta đang đứng thứ 88/193 quốc gia trên thế giới và thứ 6/11 nước trong khối ASEAN về xây dựng Chính phủ điện tử, như vậy là còn thấp. Vì vậy, cần tiếp tục nỗ lực để làm tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị một số đơn vị thực hiện Chính phủ điện tử cần có đánh giá bước đầu về kết quả thực hiện Chính phủ điện tử trong năm 2019 để tiếp tục lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, cần có những định hướng để các địa phương phải chuyển từ nhận thức sang hành động để có thể triển khai một cách hiệu quả nhất về các giao dịch điện tử.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí. "Không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để đi ra thế giới.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng nền tảng để mọi người dân, mọi doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần đồng tâm, hiệp lực quyết tâm cụ thể hóa trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử có bước tiến cao hơn…
(Bài đăng từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 4/2020)
Theo Thông tin và Truyền thông
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận