Việt Nam là quốc gia đầu tiên sắp nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi
Cục Thú y và Công ty CP Thuốc thú y Trung ương đã tiến hành tiêm vaccine thử nghiệm trên đàn lợn sản xuất. Nếu kết quả khả quan thì chỉ trong quý 1-2021, Việt Nam sẽ tiến hành sản xuất thương mại vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, đẩy giá thịt lợn lên cao "chót vót".
Thông tin về tiến độ nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, ngày 13/9/2020, Việt Nam được tiếp nhận giống virus gây dịch tả lợn châu Phi từ Mỹ, ngày 14/9/2020 các chuyên gia nghiên cứu của Việt Nam bắt đầu mở giống và nghiên cứu để điều chế vaccine.
“Giống virus I177N gây dịch tả lợn châu Phi đã được Mỹ nghiên cứu và tìm ra hơn 10 năm nay nhưng quốc gia này không thúc đẩy nghiên cứu vaccine. Tuy nhiên, sau đó, khi Việt Nam trao đổi thì Mỹ đẫ đồng ý chuyển giao giống virus này cho Việt Nam để nghiên cứu vaccine”- ông Tiến cho hay.
Theo đó, từ tháng 9/2020 đến nay, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cùng với Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đánh giá độc lực, chủng loại và khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu vaccine.
“Chúng ta đã tiến hành tiêm công cường độc thành công trong phòng thí nghiệm. Đến nay, đã tiến hành tiêm trên 25 con lợn ngoài sản xuất cho kết quả rất tốt. Cục Thú y cùng Navetco chuẩn bị đánh giá khảo nghiệm, sẽ phải thành lập Hội đồng đánh giá cấp Bộ để tiến hành khảo, kiểm nghiệm chắc chắn. Tuy nhiên, kết quả đến nay khá tốt”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc cũng tiến hành nghiên cứu về chủng virus này để sản xuất vaccine nhưng đến nay chưa có kết quả. Việt Nam nhờ được Mỹ chia sẻ nên mới có kết quả nhanh như vậy.
“Đây là vaccine rất quan trọng cho nên phải làm rất chặt chẽ các bước còn lại để khi công bố phải đảm bảo chặt chẽ các yêu cầu, tiêu chuyển kỹ thuật. Nếu có vaccine dịch tả lợn châu Phi thì chắc chắn rằng chăn nuôi lợn của Việt Nam còn có tốc độ phát triển nhanh hơn giai đoạn hiện nay. Mặc dù các doanh nghiệp có tốc độ phát triển chăn nuôi rất nhanh nhưng còn 2,5 triệu hộ chăn nuôi. Vaccine không chỉ để phòng dịch bệnh mà còn là an sinh xã hội và công ăn việc làm”- lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhìn nhận.
Theo: An ninh thủ đô
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận