Mở kênh phân phối mới đưa hàng hoá Việt đến với người tiêu dùng
Để liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số thông qua gian hàng Việt trực tuyến trên các trang thương mại điện tử tạo kênh phân phối mới tiếp cận người dùng trong cuộc sống số đồng thời thích ứng với tình hình thực tế của dịch COVID-19.
- Stringee - Nền tảng số của người Việt để chăm sóc khách hàng Việt
- Tương lai số hoá của hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ ở đâu?
- Khởi tạo cuộc sống số trên nền tảng sản phẩm "Make in Viet Nam"
Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, gian hàng Việt trực tuyến do Cục chủ trì, hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam sẽ là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất Việt để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, gian hàng Việt trực tuyến giúp người tiêu dùng mua sắm hàng Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng đảm bảo, chi phí thấp, góp phần đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng qua thương mại điện tử khi mua sắm trực tuyến.
Các kênh phân phối truyền thống đã không còn phù hợp với tình hình dịch COVID-19 cũng như sự phát triển của công nghệ.
Đây cũng là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất Việt tới mọi tỉnh thành phố trên cả nước; từng bước giúp các doanh nghiệp sản xuất Việt, doanh nghiệp địa phương ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.
Ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là xu hướng tất yếu của tương lai, gian hàng Việt trực tuyến có thể xem là một biện pháp giúp các doanh nghiệp Việt phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.
Bên cạnh các cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới có hiệu lực, không ít thách thức đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất Việt phải cùng nhau nỗ lực củng cố vị thế của mình và phát triển bền vững hơn nữa tại thị trường trong nước.
Ông Đặng Hoàng Hải cho biết thêm, khi một loạt doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho gian hàng Việt sẽ giúp chi phí thấp và cách làm sáng tạo hơn. Trước mắt, chương trình đang triển khai một số sàn Sendo, Tiki…và tới đây sẽ mở rộng ra các sàn khác.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội đã phối hợp với Nhật Bản làm trang nông sản sạch, giới thiệu thực phẩm sạch, đặc sản vùng miền với gần 200 doanh nghiệp cung ứng và 1.000 doanh nghiệp cung ứng tham gia.
Tuy nhiên, không nên làm phong trào mà tập trung sản phẩm tốt, có năng lực đặc biệt là sản phẩm chế biến; cần nhiều cuộc tập huấn, hỗ trợ chuyên sâu cho doanh nghiệp; đào tạo cho doanh nghiệp tiếp cận phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử, kinh tế số.
Còn theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chương trình Gian hàng Việt hy vọng là siêu thị điện tử cho hàng Việt Nam để sản phẩm Việt phân phối đi khắp nơi trên cả nước.
Ông Bùi Huy Hoàng bày tỏ, nếu vẫn đơn thuần bán hàng thông qua địa lý, cửa hàng nhỏ lẻ của nhà phân phối thì câu chuyện hàng giả, hàng nhái có thể xảy ra. Nhưng nếu mua bán hàng hóa trên gian hàng Việt có phối hợp chặt chẽ sản xuất, phân phối sẽ giải quyết được câu chuyện hàng giả, hàng nhái và là khâu khép kín đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Ông Bùi Huy Hoàng cho hay, ý tưởng này bắt đầu từ cuối năm ngoái làm việc với Sendo và Vỏ Sò với ký kết và thỏa thuận hợp tác kỹ thuật giữa các bên về phát triển, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trên nền tảng thương mại điện tử.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Giám đốc Công ty CP Sendo chia sẻ, tuy có lượng truy cập lớn nhưng Sendo đang gặp khó khăn trong triển khai quy mô diện rộng, đưa sản phẩm thương hiệu Việt tới tay người tiêu dung do nhu cầu vượt lên trên thực tế. Bởi doanh nghiệp đang cố gắng bảo vệ kênh phân phối truyền thống hơn là kênh thương mại điện tử bằng việc bán ra với sản phẩm, giá thành khiêm tốn hơn so với truyền thống.
Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có từ khóa với giá thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Vì vậy, Sendo kỳ vọng cần có thêm các khóa đào tạo, buổi hội thảo, hội nghị tại địa phương nhằm nâng cao phối hợp giữa sàn với doanh nghiệp.
Ngoài ra, nên thiết lập gian hàng hoàn chỉnh, song hành cùng vận hành để bán sản phẩm với giá cả mang yếu tố cạnh tranh, hướng đi lâu dài và bền vững hơn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã được tiếp cận thêm giải pháp cụ thể và thiết thực khác trong phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử như các giải pháp về tài chính điện tử, chuyển đổi số doanh nghiệp, giải pháp quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ thông qua công nghệ mã QR code (iCheck)…
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận