Người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam tăng hơn 8 triệu
Đây là thông tin được đưa ra tại diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (VOMF 2021) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức ngày 15/12. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức kết hợp tham dự trực tiếp và trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh .
- "Nóng" cuộc đua về đích xác thực thông tin ví điện tử của người dùng
- 35 năm thành lập MSI - Loạt ưu đãi lớn cho người dùng
- 5 lựa chọn hàng đầu của người dùng trên các sàn thương mại điện tử trong năm 2021
Với chủ đề “Marketing in the New Normal and Metaverse”, VOMF 2021 năm nay bao gồm 4 phiên. Phiên 1 với chủ đề “Toàn cảnh thị trường tiếp thị trực tuyến trong đại dịch và bắt đầu kỷ nguyên Metaverse” sẽ cùng trao đổi về những tác động của dịch Covid tới hoạt động của doanh nghiệp, tác động tới hành vi tiêu dùng giúp doanh nghiệp nhìn ra tầm quan trọng của việc go online và nhanh chóng chuyển mình đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Phiên 2 với chủ đề “Các giải pháp hiệu quả cho marketing trong giai đoạn bình thường mới” tập trung cung cấp các giải pháp giúp các danh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến một cách dễ dàng và tăng trưởng trong đại dịch.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại diễn đàn.
Sự thay đổi to lớn từ một trong các mạng xã hội như Facebook thành vũ trụ Meta thu hút một lượng lớn người dùng đã làm phát triển thêm các nền tảng tiếp thị. Đây cũng là làn gió mới phản ánh bước chuyển lớn vào lĩnh vực công nghệ. Đây cũng là nội dung của Phiên 3 “Marketing trong thời Metaverse” .
Phiên 4 “Marketing dự án Blockchain” trao đổi về việc các mô hình kinh doanh sáng tạo đổi mới dựa trên nền tảng Blockchain và cách marketing cho dự án để tăng trưởng cả về kinh doanh và đầu tư. Công nghệ Blockchain sẽ tạo nên thành công cho marketing và quảng cáo nếu doanh nghiệp biết tận dụng sức mạnh và khai thác đúng cách.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo Google và Temasek, từ đầu dịch tới giữa năm 2021, số người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 8 triệu người. Con số cho thấy sự chuyển biến về hành vi tiêu dùng của người dân, kéo theo đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thuật ngữ về thương mại điện tử, tiếp thị trực tuyến trở nên rất phổ biến và trở thành nhu cầu cấp thiết mà các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển mình.
Còn ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho hay, thương mại điện tử được nhắc đến rất nhiều trong đại dịch Covid-19. Vecom cũng đã phải tương tác với rất nhiều hội ngành nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động về thương mại điện tử. Do đó hiệp hội muốn đẩy mạnh tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 để cập nhật những xu hướng mới trong lĩnh vực này đến các doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, đa số các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định,bối cảnh “bình thường mới” đòi hỏi các doanh nghiệp áp dụng những chiến lược mới để tồn tại và phát triển.
Lúc này, doanh nghiệp cần khai thác tối đa những lợi ích tuyệt vời từ Online Marketing để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất... đó là những lời giải cho bài toán cứu doanh nghiệp trong tình hình mới.
Tọa đàm tại diễn đàn.
Tập trung phân tích sâu vào chủ đề “Marketing Automation trong bán lẻ và giải pháp cho doanh nghiệp”, bà Trần Thị Thùy Dương, Trưởng phòng Tiếp thị Kỹ thuật số, Công ty CP Công nghệ Sapo cho biết, đây là nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường hiệu quả trên hàng loạt các kênh online như: Facebook, Instagram, Lazada, Shopee, Zalo, SMS… một cách hoàn toàn tự động.
Qua đó, doanh nghiệp có thể lên kế hoạch cho các chiến dịch, xây dựng nhiều nội dung khác nhau phù hợp với từng phân khúc khách hàng, giúp tăng lợi nhuận. Các quá trình huy động vốn phải thực hiện thủ công trở nên tự động, hiệu quả và kết hợp ăn ý với nhau hơn.
“Việc áp dụng hệ thống Marketing Automation giúp tăng 27% lượng leads, tăng 30% tỷ lệ chuyển đổi lead, cải thiện đến 25% Marketing ROI” – bà Dương nói.
Cũng theo bà Dương, bán lẻ của Việt Nam theo phương thức truyền thống tập trung vào sản phẩm với mô hình chuỗi cung ứng mua rẻ, bán đắt, tối ưu hóa các khâu giữa, trải nghiệm tại cửa hàng.
Tuy nhiên, bán lẻ kỹ thuật số lại tập trung vào trải nghiệm khách hàng với mô hình chuỗi giá trị số thu thập dữ liệu (khách hàng, sản phẩm, địa điểm…), biến dữ liệu thành hiểu biết, biến hiểu biết thành hành động, tạo ra trải nghiệm số cả hành trình khách hàng.
Chính vì thế bà Dưỡng cũng đưa ra lời khuyên, dịch vụ bán lẻ nên sử dụng marketing Automation bởi tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực, rút ngắn thời gian xây dựng mối quan hệ với khách hàng, tiếp cận theo mức độ ưu tiên, mang lại trải nghiệm nhất quán, cá nhân hóa cho khách hàng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận