Buồng áp lực dương lọc virus trên chuyến bay "giải cứu" nhiều công dân Việt Nam nhiễm COVID-19 nhất
4 buồng áp lực dương được thiết kế trên chuyến bay từ Việt Nam đến Guinea Xích đạo đón 219 công dân Việt Nam, trong đó có hơn 120 bệnh nhân dương tính COVID-19, có thể diệt tối đa virus corona.
- 3 lưu ý sử dụng điều hòa an toàn cho sức khỏe sau dịch Covid - 19
- "Virus tin giả" - Chống dịch COVID-19 thời công nghệ
Buồng áp lực dương được lắp đặt trên máy bay đón bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ Guinea Xích đạo. Ảnh: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
Chiều nay 29/7, chuyến bay VN 5022 của Vietnam Airlines đón 219 công dân Việt Nam, trong đó có hơn 120 người nhiễm COVID-19, sẽ hạ cánh tại Việt Nam. Đây là chuyến bay "giải cứu" nhiều công dân Việt Nam nhiễm COVID-19 nhất từ trước đến nay.
Chuyến bay có 4 y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (gồm bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó trưởng khoa cấp cứu và 3 y bác sĩ) với nhiều phương án đảm bảo an toàn cho hành khách và tổ bay.
Phương án đặt ra là lắp đặt 4 buồng áp lực dương trên chuyến bay này. Mô hình buồng áp lực dương do nhóm thầy cô Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện theo đặt hàng của các bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Đại diện nhóm cho biết buồng áp lực dương được làm bằng khung nhựa, màng chắn bằng nilông với trọng lượng mỗi buồng khoảng 7-8kg.
"Nguyên tắc là ở trong áp lực lớn hơn bên ngoài, với mục đích là luôn luôn đẩy khí từ bên trong ra bên ngoài. Buồng dành cho các phi hành đoàn và bác sĩ trong cả quá trình bay, đảm bảo độ sạch của không khí", đại diện nhóm chia sẻ.
Với buồng áp lực dương, không khí qua màng lọc khử HEPA, tiếp đó qua một máy bơm để hút không khí đưa vào túi, tạo ra áp lực dương trong túi này và đẩy không khí ra. Không khí được lọc có thể coi là không khí sạch.
Buồng áp lực dương trên máy bay có thể diệt virus tối đa. Ảnh: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
"Diệt được 99% virus, có thể nói là hạn chế tối đa. Khi vào buồng, không khí sạch hơn bên ngoài, bác sĩ có thể bỏ khẩu trang ra nghỉ ngơi, uống nước", đại diện nhóm cho hay.
Nhóm cho biết từ thời điểm nhận thông tin đón bệnh nhân đến lúc hoàn thành buồng áp lực dương mất hơn 1 tuần. Sau ba lần lắp đặt thử, nhóm mới hoàn thiện xong phòng áp lực dương theo đơn đặt hàng.
Trước đó, nhóm thầy cô cũng phát triển một cáng áp lực âm dành cho bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. Còn với "đặt hàng" là buồng áp lực dương là để bảo vệ cho người không bị nhiễm COVID-19.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận