Cần tận dụng 'thời gian vàng' thực hiện Chỉ thị 16 để đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19
Hướng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng để đưa cuộc sống trở lại bình thường, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin nhanh hơn nữa đặc biệt là đối với với các tỉnh đang trong ""thời gian vàng" thực hiện Chỉ thị 16
- Vắc-xin ngừa COVID-19 - 'Liều doping' để chuỗi sản xuất tại Bình Dương thông suốt trở lại
- Bộ Y tế thông tin về tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19
- Các loại vắc-xin đang lưu hành có tác dụng với cả biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2
TP HCM đặt mục tiêu 2/3 người trên 18 tuổi tiêm vắc-xin trong tháng 8
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP HCM, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch, trong đó có việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Theo Bộ Y tế, trong năm 2021, TP HCM sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều vaccine COVID-19, đảm bảo tỷ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine.
TP HCM tăng cường thực hiện tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 ngay sau khi gia hạn ápp dụng Chỉ thị 16.
Đến ngày 31/7, TP HCM đã được phân bổ 3 triệu liều, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.
Riêng trong tháng 8/2021, dự kiến TP HCM sẽ nhận được 5 triệu liều. Ngoài vaccine được phân bổ, TP HCM còn đặt mua 5 triệu liều vaccine Vero Cell (đã nhận 1 triệu liều ngày 31/7).
Đến nay TP HCM đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vaccine, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vaccine. Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, mục tiêu của Thành phố là trong tháng 8 này 2/3 người trên 18 tuổi ở Thành phố được tiêm vaccine.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại TP HCM, ngày 29/7, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác đặc biệt hỗ trợ công tác tiêm chủng cho Thành phố và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc triển khai tiêm chủng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, UBND TP HCM đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức tiêm đợt 5. Toàn Thành phố tổ chức 1.200 điểm (tăng thêm 200 đội tiêm), mỗi đội phấn đấu 200 mũi tiêm/ngày.
Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức buổi tiêm chủng không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.
Đồng thời thông báo thời gian theo khung giờ và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và tránh tập trung đông người tại một thời điểm, sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp, có thể tổ chức buổi tiêm ngoài giờ hành chính để đảm bảo tiến độ tiêm vaccine. Người dân thực hiện đăng ký tiêm qua Cổng đăng ký quốc gia và Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế.
Tại TP Thủ Đức, các đội tiêm vaccine lưu động đi ôtô, xe máy và 40 đội phản ứng nhanh (34 đội ở các phường và 6 đội của TP Thủ Đức) đã tổ chức tiêm vaccine đến từng khu phố, con hẻm, thậm chí các khu vực phong tỏa. Trong đó, ước tính mỗi xe ôtô lưu động có thể tiêm với công suất 200 liều (lượt)/ngày.
Cùng với TP HCM, một số tỉnh/thành phía Nam cũng đang tích cực đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19. UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm 1 triệu liều vaccine cho người dân trên địa bàn. Theo đó tỉnh tổ chức các điểm tiêm chủng cố định với khoảng trên 280 bàn tiêm.
Ngoài ra, tỉnh thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại các khu công nghiệp, các cơ quan đơn vị, các thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tại Cần Thơ, thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, UBND thành phố đã có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn trong năm 2021-2022.
Theo đó thành phố đặt mục tiêu đảm bảo tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021; trên 70% dân số trên địa bàn thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến hết quý I/2022.
Từ ngày 31/7, Cần Thơ đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 4 của năm 2021 với 84.290 liều vaccine, dự kiến đợt tiêm chủng này kéo dài trong 8-10 ngày.
Phú Yên được Bộ Y tế phân bổ 38.000 liều vaccine trong tháng 7. Tỉnh đã tổ chức đồng loạt tiêm đợt 5 cho người dân từ ngày 30/7. Các đợt 6-7 cũng được tỉnh lên kế hoạch sẵn sàng triển khai. Ba đợt tiêm vaccine liên tiếp này sẽ được tỉnh hoàn thành trong tháng 8/2021.
Đối tượng được tiêm trong các đợt này cũng được mở rộng hơn, ngoài lực lượng tuyến đầu, người có bệnh nền, đối tượng chính sách, giáo viên, người cung cấp dịch vụ thiết yếu và 4.900 công nhân thuộc các khu công nghiệp của tỉnh cũng sẽ được tiêm phòng.
Tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiêm phòng “quét trắng” địa bàn, tạo các “vùng xanh” có miễn dịch cộng đồng để người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống…
Để sẵn sàng tiếp nhận vaccine từ Bộ Y tế và triển khai tiêm chủng cho nhân dân Thủ đô trong năm 2021, thành phố Hà Nội cũng đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản nhằm triển khai sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất ngay khi được phân bổ.
Theo đó, Hà Nội chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm, tối đa là 200.000 mũi tiêm/ngày. Trong trường hợp lượng vaccine phân phối có hạn, Thành phố sẽ tiến hành tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên đã được Trung ương hướng dẫn.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các cấp phải phối hợp với lực lượng y tế xây dựng kế hoạch, kịch bản để phân bố lượng người đến tiêm vaccine theo khung giờ, theo ngày một cách phù hợp; đồng thời duy trì trật tự, an ninh trong quá trình tổ chức tiêm phòng ở từng điểm tiêm và trên toàn thành phố.
Không để lãng phí bất kỳ liều vắc-xin nào
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, mở rộng nguồn cung vaccine phòng COVID-19, để sớm bao phủ vaccine cho ít nhất 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng. Từ tháng 3/2021 đến nay, Việt Nam đã nhận 17,6 triệu liều vaccine.
Trong đó, Bộ Y tế đã có 16 đợt phân bổ vaccine với tổng số hơn 16 triệu liều vaccine gồm các loại (AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Sinopharm). Ngoài ra, còn có 1 triệu liệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do công ty Sapharco (dưới sự ủy quyền của UBND TP HCM) đặt mua đã về TP HCM.
Thực hiện tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ngay tại các khu vực đang thực hiện cách ly y tế.
Theo báo cáo của Tiểu ban Tiêm chủng, vaccine phòng COVID-19 thuộc 5 đợt phân bổ đầu tiên đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành tiêm chủng. 8 đợt tiếp theo các tỉnh/thành phố đã và đang triển khai. Tính đến hết ngày 1/8, Việt Nam đã tiêm được hơn 6,4 triệu liều vaccine, trong đó gần 660 nghìn người đã tiêm đủ 2 mũi.
Mới đây, Bộ Y tế ban hành công văn 5946/BYT-DP về dự kiến phân bổ vaccine phòng COVID-19 đến hết năm 2021 cho 63 tỉnh/thành phố, đơn vị, bộ, ngành.
Theo đó, dự kiến trong năm 2021, Bộ Y tế phân bổ vaccine đạt tỷ lệ 90% cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó TP Hà Nội và TP HCM dự kiến sẽ được phân bổ với tỷ lệ cao nhất là 99%.
Hiện có 7 tỉnh có tiến độ triển khai tiêm vaccine đạt trên 70% số liều được phân bổ, bao gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Kon Tum, Hải Dương, Đắk Nông và Hà Nam.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nhưng phải đảm bảo an toàn cao nhất, không để lãng phí bất kỳ liều vaccine nào.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố căn cứ Quyết định 3355/QĐ-BYT và Công văn 5946/BYT-DP của Bộ Y tế để xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành ngay kế hoạch tiêm chủng tổng thể, chi tiết của địa phương mình. Điều này sẽ giúp các địa phương sẵn sàng tiêm ngay khi vaccine được phân bổ theo từng đợt đến địa phương. Kế hoạch này gửi về Bộ Y tế trước ngày 5/8.
Đồng thời, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẩn trương phối hợp với 7 quân khu và Bộ Tư lệnh quân khu Thủ đô hoàn thiện các kho bảo quản vaccine theo kế hoạch giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.
Các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét căn cứ khả năng bảo quản vaccine của 4 khu vực (Bắc-Trung-Nam và Tây Nguyên), nếu có thể, trao đổi với các đơn vị cung cấp vaccine để chuyển thẳng vaccine về các khu vực này, từ đó phân bổ, chuyển về các địa phương được nhanh hơn, kịp thời hơn.
Để triển khai kế hoạch tiêm chủng đạt kết quả cao, Bộ Y tế yêu cầu, các địa phương phải chủ động huy động tối đa lực lượng tiêm chủng trên địa bàn gồm quân y, dân y, công lập và ngoài công lập; phải thống kê trên địa bàn tỉnh có tổng số bao nhiêu điểm tiêm chủng, từng điểm có bao nhiêu người được tiêm, địa điểm tổ chức tiêm, lực lượng tham gia tiêm chủng… Nội dung này phải được đưa vào phụ lục kèm theo kế hoạch tiêm chủng của tỉnh.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tới đây sẽ có hỗ trợ của các quân khu phối hợp các viện Pasteur. Ở mỗi quân khu có xe ô tô chuyên dụng vận chuyển vaccine tương đương số tỉnh trong địa bàn phụ trách, do đó, khâu vận chuyển sẽ thực hiện nhanh hơn, chỉ từ 3-5 ngày vaccine sẽ được chuyển tới các tỉnh/thành phố. Do đó, các địa phương cần có kế hoạch tiếp nhận và tiêm chủng sớm nhất để tránh bị động.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận