Các hãng đồ ăn nhanh sử dụng giao hàng "không tiếp xúc" vì COVID-19
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến cho các ông lớn đồ ăn nhanh tại thị trường Trung Quốc cũng đã phải thay đổi các phương thức phục vụ để thích ứng với tình hình mới khi sử dụng phương thức giao hàng "không tiếp xúc".
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Nhật Bản là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới
- Covid-2019 đã làm đảo lộn mọi dự báo về sự khởi sắc của thị trường chứng khoán
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Trường hợp tử vong thứ 5 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc, các ông lớn như McDonald's, Starbucks và nhiều công ty đồ ăn nhanh khác đang tăng cường giao nhận hàng "không tiếp xúc" để giữ an toàn cho nhân viên cũng như khách hàng.
McDonald's đã sớm cho triển khai hình thức giao hàng này tại Trung Quốc ngay từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát. Cụ thể, khách hàng sẽ đặt hàng từ xa, trên điện thoại di động hoặc máy tính trong cửa hàng.
Nhân viên sẽ niêm phong đồ ăn trong những chiếc túi và đặt chúng tại một vị trí đặc biệt. Khách hàng nhận đồ ăn ở đó mà không cần phải tiếp xúc với nhân viên.
Với các đơn đặt giao hàng tận nơi, người giao hàng của McDonald's sẽ để hàng tại một vị trí thuận tiện như lối vào các chung cư, khử trùng túi giao hàng và rửa tay thường xuyên hơn. Nhân viên giao hàng có mang theo thẻ cho thấy họ và những nhân viên đóng gói thực phẩm đã quét nhiệt độ cơ thể để chứng minh không bị sốt.
Trong một thông báo, McDonald's cho biết: "Trong khi chúng tôi tìm cách cải thiện hơn nữa các công đoạn, việc đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa được áp dụng cho tất cả các kênh phục vụ".
Theo công ty dữ liệu BigOne Lab có trụ sở tại Bắc Kinh, tính đến đầu tháng 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, có tới 83% cửa hàng trên nền tảng giao nhận Mỹ Đoàn Điểm Bình, một trong những mạng thương mại điện tử và giao nhận đồ ăn lớn nhất Trung Quốc, đã phải đóng cửa. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cũng đã khuyến nghị hình thức giao hàng hạn chế tiếp xúc.
Starbucks đề nghị khách hàng gọi đồ uống qua ứng dụng và sau đó đợi bên ngoài cho tới khi nhận được thông báo nhận hàng. Đồ uống được đặt trên các bàn ngay gần lối vào. Nếu muốn vào các quán trong hệ thống Starbucks, khách hàng sẽ phải đo nhiệt độ tại cửa vào cũng như bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Về dịch vụ giao hàng, Starbucks cho biết họ thường xuyên khử trùng đồ đựng và nhân viên giao hàng phải kiểm tra thân nhiệt hàng ngày. Các nhân viên tại cửa hàng cứ 30 phút phải rửa tay 1 lần, các khu vực công cộng cứ 2 tiếng lại khử trùng.
Những biện pháp trên cho thấy các công ty đã nhanh chóng thích ứng để có thể bán đồ ăn thức uống trong khi vẫn bảo đảm yếu tố an toàn cho khách hàng.
Từ ngày 30/1, tập đoàn nhà hàng thức ăn nhanh Yum China Holdings Inc đã giới thiệu về giao hàng không tiếp xúc và 2 ngày sau đó thì áp dụng việc nhận hàng không tiếp xúc tại các điểm bán KFC và Pizza Hut của mình.
Giao hàng không tiếp xúc đã có ở Trung Quốc trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nhân viên giao hàng sẽ để các gói hàng tại cửa nhà hoặc sảnh hoặc trong tủ đồ tòa nhà để khách hàng lấy sau.
Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều khu dân cư đã hạn chế việc ra vào của nhân viên giao hàng và yêu cầu khách hàng tự lấy đồ của mình.
Việc giao nhận trước đây thường là nhân viên giao hàng đưa hàng cho người nhận. Nhưng giờ nhân viên giao hàng sẽ đặt đồ ví dụ như đồ ăn xuống yên sau xe rồi lùi lại, chờ khách hàng đến lấy.
Có khách hàng lại yêu cầu nhân viên giao hàng đặt đồ vào thang máy rồi bấm số tầng, sau đó khách hàng chờ lấy khi thang máy mở ra. Allison Malmsten, một nhà phân tích chiến lược marketing ở Thượng Hải nhận xét: "Dịch bệnh đã định nghĩa lại về giao đồ ăn không tiếp xúc".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận