Đồ điện tử, công nghệ cháy hàng, bán qua mạng tăng mạnh thời... corona
Tác động của dịch COVID-19 đang khiến nhiều mặt hàng điện tử, công nghệ phục vụ cho làm việc, học tập ở nhà trở nên đắt hàng, thậm chí mặt hàng camera tại nhiều hệ thống cửa hàng máy tính đã hết hàng từ cách đây nhiều ngày.
- 13 tỷ USD - Con số mà thị trường thương mại điện tử Việt Nam hướng tới trong năm 2020
- Giải quyết các rào cản, tạo sức bật cho thương mại điện tử Việt Nam
- Những điểm cần lưu ý khi thương mại điện tử bùng nổ mùa dịch bệnh
Hệ thống cửa hàng đóng cửa dài ngày, các nhà cung cấp đều trông cậy vào bán hàng online. Ảnh: Đức Khiêm
"Các mặt hàng điện tử phục vụ cho làm việc ở nhà đều bán chạy. Riêng mặt hàng camera thì hết lâu rồi, bọn em không dám hẹn khi nào có hàng vì nhập hàng điện tử, linh kiện thời điểm hiện nay khó khăn lắm", một nhân viên tại cửa hàng máy tính Phúc Anh (Hà Nội) nói với Tuổi Trẻ.
Hàng điện tử tăng giá, camera cháy hàng
Theo nhân viên của Phúc Anh (Công ty TNHH Kỹ Nghệ Phúc Anh), hiện tại hầu hết các thiết bị văn phòng (máy in, máy tính), linh kiện, phụ kiện máy tính - những mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu làm việc đều tăng giá. Tùy từng mặt hàng và dòng sản phẩm, mức tăng trung bình từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Nhân viên này giải thích do dịch bệnh nên rất nhiều người phải làm việc ở nhà, học sinh sinh viên chuyển sang học online khiến nhu cầu đối với nhiều sản phẩm như máy tính, máy in, các linh kiện như RAM, loa, camera… không những không giảm khi dịch xuất hiện mà còn tăng mạnh hơn. Đặc biệt như thiết bị camera tại hệ thống của Phúc Anh đã hết từ lâu.
Tại hệ thống bán thiết bị văn phòng, linh kiện máy tính lớn khác là Phong Vũ, một nhân viên tư vấn mua hàng khẳng định hiện tất cả các dòng sản phẩm camera tại hệ thống Phúc Anh đều cháy hàng. Từ khi có dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đến nay, nhu cầu về các thiết bị văn phòng, linh phụ kiện máy tính tăng mạnh, trong đó camera về chiếc nào hết chiếc đấy.
Trên website của công ty, các mẫu camera đều đã chuyển sang tình trạng "liên hệ" - tức không còn hàng để bán, khi có hàng trạng thái này sẽ chuyển sang "mua ngay". "Nhưng cửa hàng vẫn đang đợi sản phẩm (camera) về, cũng không dám hẹn với khách hàng hôm nào thì có sản phẩm bán", nhân viên này cho biết.
"Không riêng gì camera hay máy tính, đồ điện tử nào cũng tăng giá hết. Hiện nay không phải do không có hàng để nhập mà nhập hàng rất khó, cửa khẩu thì đóng, không nhập được hàng. Nguồn hàng ít, trong khi nhu cầu lại tăng cao nên chắc chắn giá phải tăng. Do vậy đơn vị nào cũng tăng giá bán hết. Có dịch bệnh thì mình phải chấp nhận thôi", nhân viên của Phúc Anh nói trên cho biết.
Theo khảo sát, một số linh kiện máy tính có mức tăng cao nhất như RAM đối với một số thương hiệu như Kington, G.SKILL, Kingmax, Crucial… tăng từ 200.000 đến khoảng 600.000 đồng tùy từng sản phẩm so với thời điểm trước tháng 3-2020.
Sản phẩm máy in trong phân khúc giá bán chạy từ trên 3-6 triệu đồng của nhiều thương hiệu như Canon, HP, Brother, Epson… cũng được nhiều cửa hàng bán lẻ điều chỉnh tăng từ 300.000 - 500.000 đồng. Đối với sản phẩm bán chạy như camera cũng được đẩy giá mạnh tăng từ 40%- trên 60% nhưng nhiều hệ thống cũng không có sản phẩm camera để bán.
Thị trường linh kiện online lên ngôi. Ảnh: Đức Khiêm
Bán online đang là "cứu cánh"
Thị trường đồ điện tử, công nghệ "mùa dịch COVID-19" còn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ từ việc bán hàng online. Tại các hệ thống lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, các cửa hàng bán lẻ từ nhiều ngày qua đã chuyển từ "offline sang online".
Cụ thể các cửa hàng của hai hệ thống bán lẻ công nghệ lớn nhất này vẫn để "cửa mở", không bán hàng trực tiếp nhưng luôn có một đến hai nhân viên túc trực để nếu có khách hàng đến mua sản phẩm thì hướng dẫn khách chuyển sang mua online.
"Ngoài ra, trong thời gian này vẫn có những khách hàng đến bảo hành, sửa chữa sản phẩm nên cửa hàng vẫn cần có người túc trực để tiếp nhận sản phẩm", một nhân viên của FPT Shop cho biết.
Bà Nguyễn Bích Hạnh - đại diện của hệ thống bán lẻ FPT Shop - cho biết thời gian qua mảng laptop của FPT Shop ghi nhận tăng trưởng tốt, doanh số tháng 2 và tháng 3 tăng lần lượt là 79% và 153% so với tháng 1-2020.
Còn hệ thống bán lẻ lớn nhất hiện nay là Thế Giới Di Động, ông Đặng Thanh Phong - trưởng phòng truyền thông - cho biết so với lũy kế đầu năm 2019, sản phẩm điện thoại và điện tử tăng trưởng dương trong khi nhóm điện lạnh và gia dụng tăng trên 15%. Đặc biệt ngành hàng máy tính xách tay ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 80% so với cùng kỳ do nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp bắt đầu tác động tới doanh thu bán hàng trực tiếp, nhiều hệ thống đều coi bán online càng trở nên quan trọng và là cứu cánh cho doanh nghiệp.
Theo bà Hạnh, FPT Shop hiện đã có các biện pháp để thích ứng với tình hình chung như tăng cường kênh bán hàng online phục vụ khách hàng ngay tại nhà. Khách hàng có nhu cầu có thể chọn mua qua website của công ty hoặc gọi hotline miễn phí cước và FPT Shop sẽ giao hàng tận nơi.
Đại diện Thế Giới Di Động thì cho biết để tăng doanh thu trong thời gian tới, ngoài việc tập trung vào những mặt hàng có nhu cầu cao trong mùa dịch thì hãng cũng sẽ tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa kênh bán hàng online.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận