Thương mại điện tử Việt Nam sẽ "cất cánh" bay cao trong năm 2021
Những bước đột phá của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 sẽ tiếp tục được phát huy tối đa lợi thế trên nền tảng của Chính phủ điện tử cùng với chương trình chuyển đổi số quốc gia và các hiệp định thương mại tự do được ký kết có hiệu lực sẽ là cú hích mạnh trong năm 2021.
- Vì sao mua hàng ở sàn TMĐT Mỹ không cần đồng kiểm?
- Ngân hàng hợp tác cùng sàn TMĐT - Động lực thúc đẩy thanh toán số tăng trưởng
- Sàn TMĐT có dừng bán iPhone xách tay sau 15/10?
Chuyển đổi số - Nền tảng cho thương mại điện tử bứt phá
Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, với quy mô dân số trên 95 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập Internet cao là cơ sở để thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Thương mại điện tử sẽ "cất cánh" bay cao với nền tảng là sự phát triển của Chính phủ điện tử và Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp nối đà tăng trưởng của thương mại điện tử trong những năm trước, cùng với sự hỗ trợ của các phương thức thanh toán điện tử, trong năm 2021, Bộ Công Thương sẽ chú trọng phát triển hạ tầng thương mại điện tử, xây dựng, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật cho thương mại điện tử, tạo môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Chính vì vậy, trong năm 2021 này Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-CP ngày 15/5/2020.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; tăng cường tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử về tình hình giải quyết, xử lý thủ tục hành chính có liên quan giữa Bộ Công Thương và UBND tỉnh và thành phố thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP).
Ngoài ra, ban hành Kế hoạch Chính phủ điện tử năm 2021 của Bộ Công Thương để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, hoàn thiện nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.
Đặc biệt, xây dựng các hệ thống phục vụ cho Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương theo các Nghị quyết, Kế hoạch về Chính phủ điện tử của Đảng, và Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Mặt khác, Bộ Công Thương còn xây dựng các chương trình tập huấn cho cán bộ quản lý và chương trình chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp về thương mại điện tử và tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý nhà nước về thương mại điện tử, các cán bộ thực thi thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử; các doanh nghiệp, đặc biệt các chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại cũng như thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại
Năm 2020, các hoạt động thương mại điện tử cũng được xem xét, đổi mới và tập trung thúc đẩy để tạo động lực mới mạnh mẽ hơn cho phát triển thương mại cả nước.
Cùng với đó là các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển này.
Theo đó, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra các nước phát triển trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn.
Hơn nữa, Bộ đã xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi số tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hướng tới tăng năng suất chất lượng của doanh nghiệp.
Cùng với đó, Bộ Công Thương còn thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế, ứng dụng các phần mềm quản lý và bán hàng thông minh, xây dựng trang Landing Page,… nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tiến hành số hóa hệ thống thông tin về thị trường, nâng cấp nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN.com. Đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B, ECVN đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công và trở thành địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu và tìm kiếm bạn hàng quốc tế trong nhiều năm qua; tiếp tục vận hành hệ thống thông tin xuất khẩu có địa chỉ tại: www.vietnamexport.com để cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng theo tuần và kết nối giao thương, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nước trên thế giới.
Theo Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử vào năm 2020 đã có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử là hình thức kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng hiện nay. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ thuộc ba nước đứng đầu khu vực.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của 3 nền kinh tế Internet lớn nhất khu vực Đông Nam Á đạt trung bình 35 - 36%, theo đó Việt Nam là 36%, đứng đầu là Indonesia với 41%, thứ ba là Phillipines (30%).
Không chỉ vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số phát triển, triển khai ngay những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Cụ thể như xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng với thương mại điện tử; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận