Vắc-xin ngừa COVID-19 - 'Liều doping' để chuỗi sản xuất tại Bình Dương thông suốt trở lại
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Bình Dương đang khiến chuỗi sản xuất đứt gãy dù đã áp dụng phương án "3 tại chỗ", nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời còn để tạo động lực kinh tế và thông suốt chuỗi sản xuất thì điều cần nhất là vắc-xin ngừa COVID-19.
- Apple chuyển một số dây chuyền sản xuất iPhone 12 mini sang 12 Pro
- Hyundai dừng một số dây chuyền sản xuất do nCoV
- Hệ thống ngân hàng phải đảm bảo thông suốt hệ thống trước tác động của dịch
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg vẫn đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Tuy nhiên, do phát sinh các ca F0 nên dẫn đến việc đã có doanh nghiệp sản xuất tạm ngừng hoạt động. Vượt qua khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để có thể “trụ vững” qua giai đoạn này.
Doanh nghiệp bị buộc phải lựa chọn khách hàng để phục vụ
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, mặc dù được yêu cầu thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn phát hiện các ca nhiễm COVID-19.
Các doanh nghiệp vẫn đang "cầm cự" nhờ vào áp dụng phương án tạm thời "3 tại chỗ".
"Trước tình hình này, để đảm bảo phòng chống dịch và thực hiện 2 phương án trên theo đúng hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19, ông Trung cho biết, các doanh nghiệp chỉ được tổ chức sản xuất khi đảm bảo toàn bộ người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Còn khi doanh nghiệp phát hiện có dịch bệnh phải lập tức dừng sản xuất ngay, không để lây " ông Trung nhấn mạnh.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chỉ tính riêng hệ thống Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) có 191 doanh nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 46.000 công nhân.
Nhưng, những ngày gần đây, qua sàng lọc có đến 18 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp này có công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, các doanh nghiệp trên tạm thời ngừng sản xuất để cơ quan chức năng truy vết, khoanh vùng dập dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Theo khảo sát sơ bộ của Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) với 100 doanh nghiệp hội viên thì đã có 29 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 71 doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”; trong đó, có 8 doanh nghiệp đã xuất hiện ca F0 trong nhà máy. Trước thực trạng này, việc có chiến lược tổ chức sản xuất an toàn với doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần gỗ Minh Dương bày tỏ, doanh nghiệp có khoảng 1.500 công nhân. Khi tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, lúc đầu chỉ có chưa tới 10% công nhân đồng ý, sau tuyên truyền có khoảng từ 40-50% công nhân đồng ý.
Trước tình thế đó, doanh nghiệp có chiến lược, ưu tiên chọn khách hàng có đơn hàng cần phải thực hiện trước và những nhà cung ứng cho khách hàng đó để chủ động tổ chức phương án sản xuất hợp lý.
Cùng chung hoàn cảnh đó, tại Đồng Nai hiện cũng có gần 1.200 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với số công nhân tạm trú trong các doanh nghiệp gần 130.000 người.
Trước khi vào tạm trú, tất cả người lao động đều được xét nghiệm và không mắc COVID-19. Tuy nhiên, gần đây, một số doanh nghiệp cũng đã xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19.
Ngay khi phát hiện ca bệnh, doanh nghiệp đã liên hệ, phối hợp cùng ngành y tế thực hiện biện pháp phòng chống dịch; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động đang tạm trú bình tĩnh, thực hiện đầy đủ giải pháp phòng chống dịch.
Nhưng, các ca F0, F1 tại doanh nghiệp tăng lên cũng khiến người lao động đang tạm trú trong doanh nghiệp có ca mắc COVID-19 lo lắng, không muốn tiếp tục ở lại làm việc.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đã kiến nghị ngành chức năng nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp khoanh vùng, truy vết, cách ly, đưa các F0, F1 ra khỏi công ty.
Sau đó, khử khuẩn, xét nghiệm cho toàn bộ người lao động tạm trú còn lại. Nếu lao động có kết quả âm tính và đảm bảo các điều kiện an toàn mới tiếp tục cho sản xuất.
Ban Quản lý có văn bản yêu cầu các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai rà soát, bố trí địa điểm làm nơi cách ly tạm thời tại khu công nghiệp cho công nhân các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” mắc COVID-19 và những người nguy cơ cao.
Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho hay, những trường hợp mắc COVID-19 qua test nhanh và người có nguy cơ cao sẽ được các công ty bố trí ở những nơi riêng biệt, theo dõi sức khỏe để điều trị kịp thời.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, Công ty CP Sài Gòn Food ở huyện Bình Chánh đã phải dừng hoạt động 2/5 nhà máy để lấy chỗ làm, nơi ở cho hơn 400 công nhân.
Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện đơn vị này, hiện việc thu xếp thực hiện “3 tại chỗ” và thu xếp chi phí xét nghiệm thường xuyên cho hơn 1.700 công nhân là điều rất khó khăn. Công suất nhà máy hiện chỉ duy trì được khoảng hơn 10%. Các đơn hàng xuất khẩu hiện đã phải dừng.
“Thời điểm này, các đối tác tạo điều kiện để giãn, hoãn đơn hàng nhưng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, hệ lụy sẽ rất lớn, có thể mất đơn hàng”, đại diện Công ty CP Sài Gòn Food cho biết.
Phương án tối ưu vẫn chỉ là tiêm vắc-xin
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tại thời điểm này có đến 97% các doanh nghiệp trong ngành dệt may tại các tỉnh phía Nam đều phải đóng cửa vì dịch COVID-19.
Như thế chỉ còn lại khoảng 3% vẫn hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", chủ yếu phục vụ khâu phát triển mẫu hoặc do có các đơn hàng gấp, nếu dừng sản xuất thì thiệt hại rất lớn.
Để nối lại chuỗi sản xuất quan trọng tại Bình Dương thì cần phải tấn công COVID-19 bằng vắc-xin.
Hiện một số đối tác lo ngại chuỗi cung ứng hàng hóa của họ sẽ bị đứt gãy đã có động thái dịch chuyển đơn hàng sang các nước khống chế dịch tốt hơn.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, về lao động của ngành, khó nhất là không biết khi nào sản xuất trở lại bình thường nên không thể chuẩn bị cho việc giữ lao động cũng như lên kế hoạch sản xuất để bù đắp thời gian đã mất. Do đó, không thể xác nhận được thời điểm xuất hàng. Đồng thời, tỷ lệ công nhân tham gia "3 tại chỗ" tại các nhà máy chỉ từ 10-30%, nên việc sản xuất cũng không ra sản phẩm và đây là tình thế tạm thời và không mong muốn.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), dịch bùng phát tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo, đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt các đơn hàng xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất, khách hàng sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống chính trị đang vào cuộc chống dịch một cách quyết liệt. Tuy nhiên, với những biến thể mới của COVID-19, giải pháp căn cơ là người lao động và người dân phải được tiêm vaccine nhanh nhất và nhiều nhất có thể.
Ông Vũ Đức Giang cũng đề xuất, để đảm bảo an toàn cho người lao động và doanh nghiệp có thể sớm quay lại ổn định sản xuất kinh doanh, nhà nước ưu tiên cho người lao động tại các doanh nghiệp sớm được tiêm vaccine, có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí. Ngoài ra, có thể giành ưu tiên cho đội ngũ lái xe để đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và đảm bảo sản xuất không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận