Khó thu thuế cá nhân trong giao dịch trên nền tảng mạng xã hội
Hiện cơ quan thuế đã siết quản lý trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) với các doanh nghiệp lớn, tuy nhiên, với những những người kinh doanh nhỏ, lẻ trên sàn hay qua các mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.
- Bộ Tài chính đang hoàn thiện hành lang pháp lý trong thu thuế kinh doanh trên nền tảng số
- Chống thất thu thuế kinh doanh qua mạng sẽ là bài toán khó với cơ quan quản lý
- Kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế - Giải pháp công nghệ chống thất thu thuế
Theo khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2020, hành vi mua sắm của người dùng thể hiện rõ xu hướng mua qua mạng xã hội với 39% khách hàng mua sắm trên các website TMĐT, 33% mua tại mạng xã hội và 22% mua trên các nền tảng khác.
Còn về phía bán hàng, các doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh đều cho rằng, mạng xã hội là kênh chất lượng nhất để tiếp cận và bán hàng, sau đó là website, các app ứng dụng và cuối cùng là sàn TMĐT.
Hiện nay, các sàn TMĐT đang phải đốimặt với áp lực cạnh tranh đến từ các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube,... đặc biệt khi Tổng cục Thuế đã thiết lập chính sách quản lý thuế theo Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính.
Về vấn đề này, nhiều chủ sàn TMĐT đã đưa ra những khó khăn mà họ gặp phải, bao gồm việc cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, khi siết các quy định về thuế. Có ý kiến cho rằng, các chủ thể kinh doanh có thể sẽ rời bỏ sàn, chuyển qua bán hàng trên mạng xã hội để né thuế, ngay cả khi sàn TMĐT có nhiều điểm ưu việt hơn.
Hiện cơ quan quản lý thuế vẫn còn áp dụng chung việc thu thuế của TMĐT và mạng xã hội, mà vẫn chưa có sự phân biệt riêng rẽ giữa hai hình thức kinh doanh.
So với việc quản lý thuế cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT tập trung, thì công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh qua mạng xã hội gặp nhiều khó khăn hơn, khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh, kinh doanh không xuất hóa đơn, hay giao dịch bằng tiền mặt,...
Ngoài ra, cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội không hiện diện tại địa điểm cố định, khiến cơ quan thuế khó xác định được doanh thu kinh doanh thực tế, nếu chỉ căn cứ các thông tin giao dịch trên mạng xã hội.
Trao đổi trên báo chí, PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế-Hải quan, Học viện Tài chính đánh giá, sàn TMĐT có nhiều ưu điểm hơn so với mạng xã hội, do nó chuyên biệt hóa và có nhiều tính năng tích hợp trên một nền tảng.
Mặt lợi của nó là giúp tăng cường khâu kiểm soát của Nhà nước chặt chẽ hơn và về lâu dài, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục dùng các giải pháp công nghệ, biện pháp quản lý thuế cùng với Luật để tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý những người kinh doanh qua mạng mà không tự giác kê khai thuế.
‘Trước Thông tư 40 về quản lý thuế tới đây, ít nhiều sẽ tác động đến tâm lý người bán hàng, rất có thể sẽ có một lượng chủ thể kinh doanh dịch chuyển hình thức kinh doanh của mình theo hướng gây khó cho cơ quan quản lý hơn’, PGS. Lê Xuân Trường nhận định.
Nhìn chung, bán hàng online đã tạo ra xu thế mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá, giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn của biến động thị trường. Tuy nhiên, việc quản lý thuế còn thiếu toàn diện, không thống nhất áp dụng trên đa nền tảng, sẽ gây ra nhiều khó khăn cho chính những doanh nghiệp TMĐT.
Vì vậy, pháp luật về TMĐT trên mạng xã hội cũng cần có những quy định phù hợp để quản lý hiệu quả, cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động này phát triển, tạo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận