10 xu hướng công nghệ chiến lược cho năm 2023
Gartner dự báo công nghệ không dây, AI, siêu ứng dụng, nền tảng đám mây, metaverse… là những xu hướng công nghệ chiến lược quan trọng cần quan tâm cho năm 2023.
- 10 xu hướng năng lượng tác động đến tương lai công nghệ thế giới trong 5 năm tới
- 5G và các xu hướng công nghệ đang tạo ra thế hệ tiêu dùng mới
- Keysight dự báo công nghệ năm 2022 - Công nghệ tiến gần hơn đến đời sống của con người
Theo Frances Karamouzis, Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích nổi tiếng tại Gartner, các xu hướng trên và một số sự kiện nữa đang khiến các quyết định của các chuyên gia CNTT trở nên khó khăn hơn.
Các CIO cũng phải tập trung vào việc tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xem xét khả năng ứng dụng những công nghệ có thể được áp dụng ngay lập tức và những công nghệ đang phát triển. Trên cơ sở đó, Gartner vừa đưa ra dự báo về 10 xu hướng công nghệ chiến lược hàng đầu cho năm 2023.
5G, WiFi 6 và 7
Theo Gartner, không có công nghệ không dây đơn lẻ nào sẽ thống trị, nhưng các doanh nghiệp (DN) sẽ sử dụng nhiều giải pháp công nghệ này khác nhau để hỗ trợ nhiều môi trường, từ WiFi trong văn phòng, các dịch vụ cho thiết bị di động, các giao thức tiêu thụ điện năng thấp và thậm chí cả kết nối vô tuyến. Gartner dự báo đến năm 2025, 60% DN sẽ sử dụng đồng thời 5 công nghệ không dây trở lên.
"Chúng ta sẽ chứng kiến một loạt các giải pháp công nghệ trong DN bao gồm 4G, 5G, LTE, WiFi 5, 6, 7, tất cả sẽ tạo ra dữ liệu mới mà DN có thể sử dụng để phân tích và các hệ thống công suất thấp sẽ khai thác năng lượng trực tiếp từ mạng kết nối này. Điều này có nghĩa là mạng không dây sẽ trở thành một nguồn giá trị kinh doanh trực tiếp", nhà phân tích Karamouzis cho hay.
Khi mạng không dây vượt ra ngoài khả năng kết nối đơn thuần, thì mạng này cũng sẽ cung cấp các thông tin chi tiết bằng cách sử dụng phân tích tích hợp.
Các siêu ứng dụng
Gartner cho biết các tổ chức sẽ ngày càng chấp nhận một loại nền tảng mới kết hợp các tính năng của nhiều ứng dụng và dịch vụ trong một hệ sinh thái duy nhất - các siêu ứng dụng (superapp).
Superapp đã được đưa tin gần đây bởi vì Elon Musk muốn biến Twitter thành một siêu ứng dụng thực sự thành công đầu tiên ở Bắc Mỹ. Các siêu ứng dụng đã tạo ra làn sóng ở châu Á với các nền tảng như WeChat, AliPay và Gojek.
Karamouzis cho biết: "Mặc dù hầu hết các ví dụ về siêu ứng dụng là ứng dụng dành cho thiết bị di động, khái niệm này cũng có thể được áp dụng cho các ứng dụng khách trên máy tính để bàn như Microsoft Teams và Slack, với điểm mấu chốt là một siêu ứng dụng có thể hợp nhất và thay thế nhiều ứng dụng để khách hàng hoặc nhân viên sử dụng. Đến năm 2027, Gartner dự báo hơn 50% dân số toàn cầu sẽ sử dụng nhiều siêu ứng dụng hàng ngày".
Các nền tảng đám mây ngành
Tương tự như các siêu ứng dụng, các nền tảng đám mây lớn dành riêng cho ngành cung cấp sự kết hợp của phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS), nền tảng dưới dạng dịch vụ (PaaS) và cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS) đáp ứng các khả năng hỗ trợ cụ thể các trường hợp ứng dụng trong ngành.
Các DN có thể sử dụng các khả năng đóng gói này như các khối cho các sáng kiến kinh doanh số riêng biệt và mang lại sự nhanh chóng, đổi mới và giảm thời gian tiếp cận thị trường. Gartner dự báo đến năm 2027, hơn 50% DN sẽ sử dụng nền tảng đám mây ngành để thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh của DN.
AI thích ứng
Gartner trước đây đã đánh giá AI là một công nghệ chiến lược, nhưng năm nay chứng kiến một xu hướng mới: các hệ thống AI thích ứng (adaptive AI) liên tục đào tạo lại các mô hình thông minh của chúng. Các module này có thể học trong thời gian vận hành và các môi trường phát triển ứng dụng dựa trên dữ liệu mới và do đó thích ứng nhanh chóng với các tình huống thực tế không lường trước được.
"Ngày nay, nếu một DN có ứng dụng SaaS hoặc bản phát hành mới, DN có thể chỉ cần cập nhật phần mềm và mọi thứ tiếp tục diễn ra, nhưng không thể làm điều đó với AI bởi vì DN thực sự đang học những gì cần làm ngay lập tức", Karamouzis cho biết. Các ứng dụng AI sử dụng phản hồi theo thời gian thực để thay đổi quá trình học của của các ứng dụng một cách linh hoạt và điều chỉnh các mục tiêu.
Quản lý sự tin cậy, rủi ro và bảo mật AI
Cũng liên quan đến AI, Gartner cho biết nhiều tổ chức chưa chuẩn bị tốt để quản lý rủi ro AI. Các tổ chức phải triển khai các khả năng mới để đảm bảo độ tin cậy của mô hình, sự tin cậy (trustworthiness), tính bảo mật và bảo vệ dữ liệu của các mô hình AI của họ bằng cách áp dụng quản lý độ tin cậy, rủi ro và bảo mật của AI (trust, risk, and security management - TRiSM). Điều này đòi hỏi sự tham gia của các đơn vị kinh doanh khác nhau cùng phối hợp thực hiện các biện pháp mới.
Một cuộc khảo sát của Gartner ở Mỹ, Anh và Đức cho thấy 41% tổ chức đã gặp phải sự cố bảo mật hoặc vi phạm quyền riêng tư của AI. Tuy nhiên, cũng theo cuộc khảo sát đó, các tổ chức tích cực quản lý rủi ro, quyền riêng tư và bảo mật của AI đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều dự án AI của các tổ chức đó chuyển từ bằng chứng khái niệm (proof-of-concept) sang sản xuất và chúng đạt được nhiều giá trị kinh doanh hơn so với các dự án AI trong các tổ chức không chủ động quản lý các chức năng này.
Khả năng quan sát được ứng dụng
Dữ liệu có thể quan sát bao gồm các tạo tác được số hóa như nhật ký (log), các dấu vết, lệnh gọi API, thời gian dừng, tải xuống và truyền tệp, được tạo ra khi một bên liên quan thực hiện bất kỳ loại hành động nào.
Karamouzis cho biết: "Khả năng quan sát được ứng dụng (applied observability) cho phép các tổ chức khai thác dữ liệu tạo tác của họ để tạo lợi thế cạnh tranh. Khả năng quan sát được ứng dụng có tác dụng mạnh mẽ vì nâng cao tầm quan trọng chiến lược của dữ liệu phù hợp vào đúng thời điểm để có hành động nhanh chóng dựa trên các hành động của các bên liên quan đã được xác nhận, thay vì chỉ có các ý định. Khi được lập kế hoạch chiến lược và thực hiện thành công, khả năng quan sát được áp dụng là nguồn mạnh mẽ nhất để ra quyết định dựa trên dữ liệu".
Loại khả năng quan sát này xem xét dữ liệu được thu thập từ cơ sở hạ tầng, ứng dụng và hoạt động của DN theo cách được tổ chức và tích hợp cao.
Kỹ thuật nền tảng
Karamouzis cho biết, kỷ luật xây dựng và vận hành các nền tảng nhà phát triển nội bộ tự phục vụ để phân phối và quản lý vòng đời phần mềm là điều mà kỹ thuật nền tảng hướng đến.
Gartner dự báo 80% các tổ chức kỹ thuật phần mềm sẽ thành lập các nhóm nền tảng vào năm 2026 và 75% trong số đó sẽ bao gồm các cổng tự phục vụ của nhà phát triển có thể bao gồm nhiều thành phần và thư viện công cụ và module khác có thể tái sử dụng.
Hệ thống miễn dịch số
Hệ thống miễn dịch số (digtal immune system) cung cấp một lộ trình cho các CIO tìm kiếm các phương pháp tiếp cận mới mà nhóm của họ có thể áp dụng để mang lại giá trị kinh doanh cao, giảm thiểu rủi ro và tăng sự hài lòng của khách hàng.
Gartner cho biết khả năng miễn dịch số kết hợp cái nhìn sâu sắc theo hướng dữ liệu vào các hoạt động, kiểm thử tự động và rốt ráo, giải quyết sự cố tự động, kỹ thuật phần mềm trong các hoạt động CNTT và bảo mật trong chuỗi cung ứng ứng dụng để tăng khả năng phục hồi và ổn định của hệ thống.
Gartner dự báo vào năm 2025, các tổ chức đầu tư vào việc xây dựng khả năng miễn dịch số sẽ giảm thời gian ngừng hoạt động của hệ thống lên tới 80% và điều đó chuyển trực tiếp thành doanh thu cao hơn.
Công nghệ bền vững
Công nghệ bền vững (sustainablity) nổi bật trong tất cả các xu hướng công nghệ chiến lược cho năm 2023. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Gartner, các CEO đã cho biết những thay đổi về môi trường và xã hội hiện nằm trong ba ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư sau lợi nhuận và doanh thu. Điều này có nghĩa là các CEO phải đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp sáng tạo được thiết kế để giải quyết nhu cầu về môi trường, xã hội và quản trị để đáp ứng các mục tiêu bền vững. Gartner lưu ý chi tiêu cho tính bền vững đã tăng trung bình 5,8% kể từ năm 2017.
Các tổ chức cần một khuôn khổ công nghệ bền vững để tăng hiệu quả năng lượng và vật chất của các dịch vụ CNTT và cho phép DN phát triển bền vững thông qua truy xuất nguồn gốc, phân tích, năng lượng tái tạo và AI. Khuôn khổ cũng nên kêu gọi triển khai các giải pháp CNTT giúp khách hàng đạt được các mục tiêu bền vững của riêng họ.
Karamouzis cho biết: "Nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực như tiêu thụ điện năng ở trung tâm dữ liệu là dễ mang lại kết quả vì nó dễ đo lường. Điều DN cần xem xét là triển khai cái gì khi ngày càng có nhiều dữ liệu. DN đang xem xét việc mua thêm dung lượng lưu trữ theo cách cũ hay đang tìm cách tối ưu hóa hệ thống đó bằng cách xem xét những thứ như lưu trữ DNA (DNA storage) và xem xét mức độ dư thừa mà họ cần và triển khai công nghệ với tư duy bền vững".
Gartner cho biết lưu trữ DNA cho phép lưu trữ dữ liệu số nhị phân trong chuỗi xoắn kép từ DNA, lấy mã nhị phân và biến nó thành mã hóa phù hợp với chuỗi DNA của con người. Điều đó có nghĩa là lượng kiến thức của con người trong một năm có thể được lưu trữ trong một gam DNA tổng hợp trong hàng nghìn năm, Gartner nói.
Metaverse
Trong bài phát biểu quan trọng của mình, Gartner cho biết mặc dù nó có thể không bao giờ trở thành xu hướng chủ đạo, nhưng metaverse cho thấy một số hứa hẹn. Ví dụ: công ty khởi nghiệp Hirect của Ấn Độ đã khởi động một sự kiện tuyển dụng VR trong metaverse cho các công ty đang cố gắng thu hút nhân tài công nghệ.
Gartner hy vọng một metaverse hoàn chỉnh sẽ độc lập với thiết bị và sẽ không thuộc sở hữu của một nhà cung cấp duy nhất. Nó sẽ bao gồm một nền kinh tế ảo của riêng nó được kích hoạt bởi các loại tiền số và các mã thông báo không thể thay thế (NFT). Đến năm 2027, Gartner dự báo hơn 40% các tổ chức lớn trên toàn thế giới sẽ sử dụng kết hợp Web3, đám mây thực tế tăng cường và các dự án dựa trên bản sao số nhằm tăng doanh thu.
Gartner định nghĩa metaverse là một không gian chia sẻ 3D ảo chung, được tạo ra bởi sự hội tụ của thực tế số và vật lý được nâng cao. Một metaverse ổn định cung cấp trải nghiệm nhập vai nâng cao.
Theo Ictvietnam
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận