Chợ phiên "đồ si" Online
Các "chủ sạp" tại một phiên chợ đồ cũ có tên Có gì bán nấy tổ chức vào hai ngày cuối tuần hầu hết đều là các cô gái trẻ. Họ bán đủ thứ: váy đầm, áo khoác, khăn quàng, mũ nón... với giá từ 50.000 -150.000 đồng/chiếc.
- Bán hàng online - Bí kíp tự cứu mình của các thành phần kinh tế thời COVID-19
- Bán hạt giống cần sa online nhưng quảng cáo là "rau cần"
Các bạn trẻ trong một phiên chợ “Có gì bán nấy”. Ảnh: H.M.
Cùng với xu hướng mặc 'xanh', những mô hình bán đồ si kiểu có gì bán nấy - mọi người tham gia phiên chợ bán đồ đạc cá nhân hay các dự án tái chế đồ cũ - cũng đang ngày càng thu hút các bạn trẻ.
Các "chủ sạp" tại một phiên chợ đồ cũ có tên Có gì bán nấy tổ chức vào hai ngày cuối tuần hầu hết đều là các cô gái trẻ. Họ bán đủ thứ: váy đầm, áo khoác, khăn quàng, mũ nón... với giá chỉ từ 50.000 -150.000 đồng/chiếc.
Chợ phiên đồ si
"Mình gom quần áo không còn mặc tới của mình, chị gái và mấy cô bạn thân rồi đăng ký quầy bán. Tiền thuê quầy cho hai buổi bán hàng là 900.000 đồng. Bán từ sáng đến giờ chắc cũng đủ tiền vốn rồi. Chắc lời được chừng khoảng 1 triệu, đủ bù công sức lựa đồ, giặt ủi rồi ngồi bán hàng" - Lê Thị Phượng Chi (33 tuổi), một "chủ sạp" trẻ ở chợ phiên Có gì bán nấy, chia sẻ. Chợ có hơn 30 quầy hàng nho nhỏ nằm trong tầng lầu của một căn hộ ở quận 3.
Đi bán đồ, nhưng Chi cũng tìm mua được vài món quần áo mà cô thích từ các quầy hàng của hàng xóm. "Thỉnh thoảng mình cũng hay tham gia những phiên chợ bán đồ cũ như thế này. Bán đồ của bản thân thì chẳng đáng bao nhiêu, nên có dịp là gom đồ người quen, chị em đi bán chung. Nếu có ít quá, mình hay đăng trên Facebook để pass đồ (bán lại) cho bạn bè, người quen" - Chi kể.
Ở một quầy hàng khác, Thạch Anh còn tận dụng bán cả những cây son đã dùng nhưng còn tốt, cái máy rửa mặt còn mới hay chai mỹ phẩm dưỡng ẩm gần như còn nguyên vẹn nhưng "vì không hợp da bị kích ứng nên pass lại".
"Đây là lần thứ năm tôi tổ chức chợ đồ cũ Có gì bán nấy để mọi người có nơi bán món mình không cần, không thích nữa, nhưng lại có ích với người khác. Đó cũng là cách để giúp kéo dài vòng đời cho đồ đạc, quần áo..." - chị Trần Hoàng Minh, người sáng lập Có gì bán nấy, chia sẻ.
Tốt nghiệp ngành kiến trúc và là một cô gái cá tính, bản thân chị cũng là người mua rồi dùng đồ si và có hẳn một thương hiệu kinh doanh đồ si mang tên Con quạ đen.
Theo đuổi lối ăn mặc xanh, tiết giảm, Hoàng Minh vẫn rất phong cách, cá tính. Cô không "hãm mình" kiểu đoạn tuyệt với việc mua đồ mới, mà có tiêu chí mua ít lại nhưng mua đồ tốt và học cách phối đồ.
Khởi nghiệp với đồ cũ
Bên cạnh những phiên chợ đồ cũ, nhiều bạn trẻ bắt đầu quan tâm đến thị trường tái chế vải cũ, đồ cũ. Trịnh Nguyễn Hồng Phúc (30 tuổi) vốn là một cô thợ may đang thực hiện dự án tái chế vải cũ hợp tác cùng một nhóm thợ khuyết tật ở Bình Thạnh.
"Ở Việt Nam có một nguồn vải vụn từ các nhà máy may, chợ vải và nguồn quần áo cũ khổng lồ mà trước giờ người ta chủ yếu xử lý bằng cách đem đổ rác, và số vải đó nằm ở bãi rác cả trăm năm. Việc sản xuất vải cũng phải trải qua rất nhiều công đoạn, kể cả vải làm bằng sợi tổng hợp từ dầu mỏ hay là sợi thực vật. Thực vật thì phải trồng, tiêu tốn nước, sau đó phải tẩy, dệt rồi lại nhuộm màu. Thế nên tôi muốn đưa những loại vải cũ, vải vụn bị bỏ đi để tái sử dụng" - Phúc kể về lý do khởi nghiệp với vải cũ.
Lập một dự án tái chế vải từ bốn năm trước nhưng duy trì khá lay lắt vì không có nhiều người quan tâm, anh Lương Hoàng Minh (30 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) đang hi vọng có thể khởi động lại dự án khi chủ đề môi trường đang ngày càng được nhiều người quan tâm.
"Tôi lập điểm thu gom vải cũ, giày cũ để từ đó làm ra những món đồ trang trí cho quán cà phê, nội thất nhà ở, nhà hàng... Ví dụ như giày cũ có thể nhúng ximăng để làm đồ đựng bút, trồng cây mini, vải từ quần áo cũ có thể may chắp làm khăn trải bàn, làm gối dựa trong các quán cà phê... Bằng cách này, những món quần áo, giày dép cũ có thể được tái sử dụng" - Minh chia sẻ về dự án.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận